Bỏ qua vết xước nhỏ, cô giáo suy thận sau khi làm thịt lợn và lời cảnh báo về thói quen nhiều người mắc

( PHUNUTODAY ) - Chị H. bị suy thận cấp, viêm phổi, vô niệu, phù toàn thân; riêng vùng đùi, ngực xuất huyết từng mảng đang hoại tử. Nguyên nhân được cho là nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Ngày 19/5, bác sĩ Hồ Thanh Lịch, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu ghép da cho chị T.H. (35 tuổi, người Campuchia). 

Trước đó, chị H. bị trầy xước ở bàn tay và trong lúc làm thịt lợn nên bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn Streptococcus suis. Người phụ nữ rơi vào trạng thái mệt mỏi, thở khó, đùi, ngực bị xuất huyết. Bệnh cảnh sau đó diễn tiến nhanh khiến chị H. bị sốc nhiễm khuẩn và được người thân đưa sang Việt Nam điều trị.

Sau khi xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết do nhiễm liên cầu khuẩn lợn gây suy thận cấp. Lập tức bác sĩ chỉ định lọc máu thải độc cho bệnh nhân, cho kháng sinh liều cao, cắt lọc da hoại tử ở vùng sau 2 chân.

Rất may, sau khi cấp cứu kịp thời chị H. sức khỏe dần ổn định, cải thiện tình trạng suy thận, hô hấp. Bác sĩ sau đó cũng tiến hành lấy phần da đùi để ghép da cho bệnh nhân.

Qua 40 ngày thực hiện nuôi cấy và ghép da từ vùng da đùi phía trước, phần da ở vùng chân bị hoại tử đã sống trở lại.

Theo bác sĩ Lịch, đa số trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn diễn tiến rất nhanh, bệnh nhân có thể gặp nhiều biến chứng nguy cấp như: suy đa tạng, trụy mạch tim, viêm màng não, xuất huyết, hoại tử toàn thân. Nếu khong cấp cứu kịp thời có thể bệnh nhân sẽ tử vong cao.

Chuyên gia khuyên người dân có ý thức khi giết mổ heo bệnh chết, xử lý thịt heo sống phải có đồ bảo hộ khong nên để tay trần. Tốt nhất là không được ăn heo bệnh, heo chết, tiết canh và nội tạng heo chưa nấu chín.

Biện pháp phòng bệnh

Với người giết mổ lợn: Không giết mổ lợn bệnh; không sử dụng thịt lợn chết làm thức ăn cho động vật khác và phải xử lý lợn chết vì bệnh một cách triệt để, tránh vi khuẩn liên cầu lợn lẫy nhiễm ra môi trường và cộng đồng.

Ngoài ra, người giết mổ lợn cần mang các dụng cụ bảo vệ cá nhân cần thiết (mũ, kính, khẩu trang, găng tay,…); bảo đảm các vết thương hở không tiếp xúc với lợn hoặc sản phẩm của lợn; nơi giết mổ lợn phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, tách biệt với khu chế biến thức ăn.

Với người mua bán thịt lợn: Để phòng bệnh liên cầu khuẩn lợn, tuyệt đối không mua bán lợn bị bệnh; không mua bán lợn hoặc thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ; chỉ kinh doanh thịt lợn có nguồn gốc, không bị bệnh và có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.

Với người chế biến thức ăn: Đảm bảo rửa tay trước khi nấu nướng và giữ vệ sinh sạch sẽ cho khu vực chế biến thức ăn; khi lưu trữ, bảo quản thịt sống phải tách biệt với khu vực bảo quản đồ ăn sẵn và thịt đã chế biến để tránh lây nhiễm khuẩn liên cầu lợn; không dùng chung dụng cụ chế biến thịt sống với thịt chín; rửa tay sạch sẽ sau khi chế biến thịt; thịt phải được nấu chín kỹ trước khi ăn;…

Với người tiêu dùng: Tuyệt đối không ăn nội tạng lợn chưa chín kỹ, thịt lợn sống, tiết canh; không ăn thịt lợn hoặc sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ; nếu tay có vết trầy xước không được tiếp xúc với sản phẩm từ thịt lợn sống, trừ trường hợp đeo găng tay.

Tác giả:

Tin nên đọc