Bộ TT&TT công bố 5 đầu số điện thoại chắc chắn lừa đảo: Gọi đến cúp máy ngay

( PHUNUTODAY ) - Bộ Thông tin và Truyền thông công bố 05 đầu số điện thoại chắc chắn là lừa đảo, người dân cần phải nâng cao cảnh giác.

1. Cuộc gọi giả mạo cán bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân

Đối tượng lừa đảo thường giả danh cán bộ thuộc Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân, đang tiến hành điều tra các vụ án hình sự và đồng thời làm giả các Lệnh bắt tạm giam hoặc Quyết định tạm giữ, niêm phong tài sản thi hành án hình sự rồi sau đó gửi cho người bị hại.

Tiếp đó, chúng sẽ yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền vào tài khoản mà chúng đưa hoặc cung cấp các thông tin về số tiền tiết kiệm, sổ tiết kiệm cũng các thông tin về tài khoản ngân hàng, mã OTP chuyển tiền… để phục vụ cho quá trình điều tra và hứa hẹn sẽ trả lại sau khi chứng minh họ vô tội.

2. Giả danh làm Cảnh sát giao thông đưa ra yêu cầu người dân nộp phạt nguội

Các đối tượng sẽ liên hệ với nạn nhân qua điện thoại, tin nhắn và tự xưng là CSGT thông báo yêu cầu nộp phạt nguội.

Thủ đoạn chung của các đối tượng này đó là tự xưng CSGT thông báo hành vi vi phạm giao thông. Tuy nhiên, do hiện đã quá thời hạn xử lý, đề nghị người vi phạm phải cung cấp số biên bản.

Nếu người vi phạm hiện chưa nhận được biên bản, các đối tượng giả danh này yêu cầu những người vi phạm cung cấp một loạt thông tin như: tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để cho lực lượng chức năng cung cấp số biên bản về hành vi vi phạm, hình thức xử lý cũng như số tiền xử phạt.

Sau đó, kẻ gian yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đến tài khoản của đối tượng. Những người có tâm lý nhẹ dạ và không cảnh giác sẽ trở thành "con mồi" để cho bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

3. Giả danh Công an hướng dẫn người dân tiến hành cài đặt VNeID giả

Các đối tượng sẽ giả danh cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hoặc Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện, thị xã, thành phố hoặc Công an các xã, phường, thị trấn gọi điện báo có sự cố lỗi hệ thống thông tin ở trên ứng dụng VneID và đưa ra đề nghị công dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo để làm tài khoản định danh mức 2 hoặc sẽ thông báo tài khoản chưa được tích hợp bảo hiểm y tế hoặc thẻ căn cước công dân, dấu vân tay ...

Sau đó, các đối tượng này gửi đường link qua tin nhắn hoặc qua các ứng dụng chat trực tuyến (như Zalo, Facebook...), hướng dẫn truy cập vào đường link độc để cài đặt phần mềm VNeID giả mạo có giao diện gần giống với ứng dụng VNeID thật.

Sau khi người dân cài đặt ứng dụng giả mạo thì sẽ bị các đối tượng chiếm quyền truy cập điện thoại ở mức cao, sẽ kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng trên điện thoại của người dân và thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản.

4. Cuộc gọi giả danh công chức Thuế, cơ quan Thuế để thực hiện các hành vi lừa đảo đối với người nộp thuế

Thủ đoạn chính của các đối tượng là sẽ giả mạo công chức Thuế gọi điện thoại, nhắn tin, kết bạn zalo và cung cấp đường link để hướng dẫn người nộp thuế thực hiện các thủ tục, nhưng thực chất là hướng dẫn cài đặt các phần mềm giả mạo ứng dụng của cơ quan Thuế. Khi đó chúng sẽ lấy cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.

5. Giả danh Cảnh sát PCCC và CNCH

Thủ đoạn lừa đảo thường thông qua hình thức gọi điện đến các đơn vị, các cơ sở doanh nghiệp thường là các cơ sở kinh doanh mới đi vào hoạt động.

Đối tượng sẽ giới thiệu mình là cán bộ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy để yêu cầu làm các giấy tờ có liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy, bán sách, tài liệu, các phương tiện, thiết bị Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ với giá cao hơn thị trường. Họ mời các cơ sở, doanh nghiệp tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ và đồng thời yêu cầu chuyển tiền.

Tác giả: Vũ Thêm