BS chỉ cách đếm nhịp thở cho trẻ F0 khi không đo được SpO2, mẹ chú ý để biết lúc nào cần nhập viện

( PHUNUTODAY ) - Việc đo SpO2 cho trẻ bằng máy đo của người lớn có thể không chính xác hoặc không thể đo được. Khi đó, cha mẹ cần theo dõi nhịp thở của con.

Theo hướng dẫn của ngành y tế, trẻ là F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể được cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà nếu đủ điều kiện.

PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng, Phó chủ nhiệm Bộ môn Nội Khoa Y - Đại học Quốc Gia Hà Nội chia sẻ trên Doanh nghiệp & Tiếp thị, việc trẻ là F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà là hợp lý, giúp tránh quá tải cho hệ thống y tế.

Tuy nhiên, khi được điều trị tại nhà, dù trẻ không có triệu chứng gì thì phụ huynh cũng không được chủ quan. Hiện tại, tỷ lệ các bé gặp triệu chứng nặng không cao nhưng phụ huynh, cán bộ y tế được phân công giám sát, hướng dẫn vẫn phải chú ý để kịp thời phát hiện trường hợp trẻ chuyển nặng.

PGS Phượng đưa ra lưu ý: Đầu tiên là phải chú ý đến thân nhiệt của trẻ. Điều thứ hai cũng rất quan trọng là hệ hô hấp của trẻ.

Chú ý đến thân nhiệt của trẻ

Theo vị chuyên gia này, nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C thì phụ huynh cho uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn. Nếu trẻ uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, hãy liên hệ với cán bộ y tế có chuyên môn để được giúp đỡ. Qua thăm khám, tư vấn, cán bộ y tế sẽ quyết định có nên chuyển trẻ tới cơ sở y tế điều trị hay không.

Cách đếm nhịp thở khi không có máy đo SpO2

Đối với trẻ nhỏ, việc đo SpO2 bằng máy dùng cho người lớn hoặc kỹ thuật đo sai đều có thể làm sai kết quả. (Ảnh minh họa)

Về vấn đề hô hấp, phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến các triệu chứng đường hô hấp của trẻ, đặc biệt là nhịp thở.

PGS Phượng cho biết việc đo chỉ số SpO2 với trẻ nhỏ đôi khi rất khó hoặc không đo được. Bên cạnh đó, kỹ thuật đo không đúng cũng có thể dẫn tới sai lệch. Vì vậy, việc đếm nhịp thở là rất quan trọng.

Để đo nhịp thở cho trẻ, bác sĩ lưu ý tốt nhất là nên dùng tay đo để có kết quả chính xác nhất vì đôi khi có máy móc, thiết bị nhưng không

Để đo tốc độ nhịp thở của trẻ, cha mẹ hãy đặt tay dưới vòm hoành lồng ngực (hõm ức) rồi đếm theo nhịp thay số lần ngực trẻ nhô lên và hạ xuống trong vòng một phút. Hoặc cha mẹ cũng có thể nhìn vào hõm cổ của trẻ rồi đếm theo nhịp thở. Nếu thấy nhịp thở ở ngoài phạm vi bình thường cho từng độ tuổi thì có thể trẻ đang có vấn đề sức khỏe.

Bác sĩ Phượng chia sẻ: "Ví dụ như trẻ dưới 12 tuổi nếu nhịp thở của trẻ trên 30 lần/phút hoặc trẻ từ 2 đến dưới 12 tháng nhịp thở trên 60 lần/phút thì lúc đó cần phải nhờ đến sự can thiệp, tư vấn của bác sĩ".

Trường hợp không biết đo, đếm nhịp thở của trẻ, cha mẹ cũng có thể nhìn các biểu hiện khác của của con như cánh mũi phập phồng, lồng ngực co kéo, thở dốc, quấy khóc không ngừng... Theo bác sĩ, đó chính là những dấu hiệu phải liên hệ với cơ sở y tế ngay.

Tác giả: Thanh Huyền