Cà vẹt xe là gì?
Cà vẹt xe là giấy tờ nhằm chứng minh ai là chủ sở hữu của phương tiện giao thông.
Trên cà vẹt xe sẽ ghi rõ các thông tin về chủ sở hữu phương tiện và thông tin về phương tiện đó như: nhãn hiệu, số loại, số máy, số khung, biển số đăng ký,... Cà vẹt xe được công an tỉnh ký xác nhận và chứng thực để đảm bảo tính hợp lệ của loại giấy tờ này.
Đây là một trong những loại giấy tờ quan trọng không chỉ xác minh quyền sở hữu xe mà còn dùng để xuất trình khi vi phạm luật giao thông hoặc khi có yêu cầu. Trong trường hợp xe bị mất cắp hoặc bị thay đổi số khung, số máy, công an sẽ dựa vào đó để điều tra và truy cứu trách nhiệm.
Mức phạt hành chính khi không có cà vẹt xe
Nhìn lại khái niệm cà vẹt xe là gì, chúng ta có thể thấy được sự quan trọng của loại giấy tờ này đối với chủ xe khi tham gia giao thông. Vậy trong trường hợp không có cà vẹt xe thì chủ xe sẽ phải chịu mức phạt hành chính như thế nào?
Theo quy định của pháp luật, những cá nhân mua xe mới đều phải làm thủ tục đăng ký để có biển số xe và cà vẹt xe. Theo khoản 2 Điều 58 Chương V Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định:
“Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
a) Đăng ký xe;
b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.”
Nếu người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không có hoặc không mang theo cà vẹt xe sẽ bị xử phạt hành chính. Căn cứ theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP (sửa đổi và bổ sung cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP) quy định về mức phạt cho chủ phương tiện không xuất trình được cà vẹt xe như sau:
Đối với trường hợp chủ xe mô tô, xe gắn máy
-
Phạt tiền từ 800.000 đồng - 01 triệu đồng với một trong các hành vi: không có cà vẹt xe theo quy định hoặc sử dụng cà vẹt xe hết hạn sử dụng; sử dụng cà vẹt xe đã bị tẩy xóa hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp (căn cứ điểm m khoản 34 Điều 2 Nghị định 123 (sửa đổi khoản 2 Điều 17 Nghị định 100)).
-
Trong trường hợp trên, nếu chủ xe không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện thì sẽ bị tịch thu phương tiện (căn cứ theo Điểm đ Khoản 4 Điều 17 Nghị định 100).
-
Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng khi không mang theo cà vẹt xe (căn cứ theo Điểm b Khoản 2 Điều 21 Nghị định 100).
Đối với trường hợp chủ xe ô tô
-
Phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng nếu không có cà vẹt xe theo quy định hoặc sử dụng cà vẹt xe đã hết hạn sử dụng. Và chủ xe sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng (căn cứ theo khoản 9 Điều 2 Nghị định 123 (sửa đổi Điều 16 Nghị định 100)).
-
Phạt tiền từ 04 - 06 triệu đồng trong trường hợp sử dụng cà vẹt xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa; sử dụng cà vẹt xe không đúng số khung, số máy của xe và bị tước giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng (căn cứ theo khoản 9 Điều 2 Nghị định 123 (sửa đổi điều 16 Nghị định 100)).
-
Ngoài ra, chủ xe vi phạm hai trường hợp đã nêu trên mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ chứng minh nguồn gốc xe hợp pháp) thì chủ xe sẽ bị tịch thu phương tiện (căn cứ theo khoản 9 Điều 2 Nghị định 123 (sửa đổi điểm đ khoản 8 Điều 16 Nghị định 100)).
-
Phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng trong trường hợp người điều khiển xe ô tô không mang theo cà vẹt xe (căn cứ theo khoản 9 Điều 2 Nghị định 123 (sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 21 Nghị định 100)).
Tác giả: Mộc
-
4 trường hợp không cần đăng ký biển số định danh, ra đường vẫn không bị phạt, là trường hợp nào?
-
Chuyển tiền qua ATM tối đa hạn mức một ngày là bao nhiêu?
-
9 trường hợp bắt buộc phải đi đổi CCCD trong năm 2024: Cố tình giữ lại bị phạt nặng, đó là ai?
-
Từ nay: 3 trường hợp này tạm dừng nhận lương hưu trong năm 2024, ai cũng nên biết sớm kẻo thiệt thòi
-
Từ nay khi tham gia Bảo hiểm xe máy bắt buộc: Người dân được hưởng 3 quyền lợi mới này, không biết quá phí