Các bệnh về chân thường gặp nhất

( PHUNUTODAY ) - Một vài dấu hiệu ở chân như phù chân, đau ngón chân hay các vết loét ở chân... có thể liên quan đến một số vấn đề sức khỏe nguy hiểm mà bạn không nên xem nhẹ.

Bàn chân của chúng ta có nhiều chức năng, chúng có thể duy trì sự cân bằng và đảm bảo rằng chúng ta có thể di chuyển một cách năng động và dễ dàng kể cả trên các bề mặt không bằng phẳng. Vậy mà đôi khi bàn chân cũng có bệnh tật khiến cho con người không đi đứng được vì đau đớn. Sau đây là một số bệnh tật thường gặp ở bàn chân.

 

Chai cứng chân:

Là hiện tượng một lớp da ở chân bị chai cứng. Với biểu hiện da dày, màu vàng, sờ cộm, bóp không đau, vị trí thường hay gặp là đầu xương bàn chân. Nguyên nhân là do sự đè ép mạnh và kéo dài, lặp đi lặp lại, ngoài ra, chai chân thường là do đi giày hay dép quá chật so với kích cỡ của chân.

Ðau gót chân:

Đau gót chân là chứng đau tại vùng gót gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Ðau xảy ra khi ta vận động hoặc làm các công việc hàng ngày. Ðau gót chân thường thấy ở lớp người ngoài 40 tuổi mà lại hoạt động nhiều. Ở lớp tuổi này, sức đàn hồi của gân và dây chằng nơi gót chân đều giảm bớt. Với dấu hiệu chính là cảm giác đau ngầm đôi khi cách quãng ở dưới bàn chân hoặc chung quanh gót chân. Tùy vào vị trí đau có thể do báo hiệu các bệnh lý như: gai xương gót, hội chứng đường hầm cổ chân, chấn thương vùng gan chân do đi lại...

Viêm bao hoạt dịch ngón chân:

Ðây là sự sưng dày và gây đau ở các mô bào chung quanh xương ngón chân cái. Nguyên nhân có thể là do thừa kế gia đình (bàn chân Giao Chỉ) hoặc đi giày quá chật, gót quá cao.
Qua sự cọ xát với giày, lớp mô này càng ngày càng dầy lên, gồ ghề, viêm và gây cảm giác đau. Lâu ngày, nếu không điều trị đi đứng sẽ bị khó khăn. Trong nhiều trường hợp xấu, căn bệnh viêm bao hoạt dịch ngón chân cái có thể gây tàn tật.

Mụn cóc bàn chân:

Mụn cóc là một bệnh hay gặp ở lứa tuổi trẻ, từ 15 - 30 tuổi, do một loại virut HPV gây nên. Vị trí hay gặp ở 1/2 trước bàn chân. Thương tổn là những sẩn màu vàng đục, hoặc màu da nhỏ bằng hạt vừng, hạt đậu xanh, phát triển to dần tới 5mm đường kính. Thương tổn lúc này nổi cao sần sùi màu xám bẩn đôi khi có vết nứt trên bề mặt, đi lại rất đau. Người bệnh thường lấy dao cắt phần chóp để dễ đi lại nhưng vài ngày sau thương tổn lại mọc dày lên như cũ và xuất hiện thêm thương tổn mới, đôi khi thành đám như khảm trai. Bệnh dễ lây cho người khác và lan ra xung quanh. Virut có ở nơi ẩm ướt, người nhiễm phải khi đi chân đất.

Móng chân chuyển màu đỏ, trắng và xanh.

Bệnh Raynaud có thể khiến ngón chân chuyển sang màu trắng, hơi xanh và cuối cùng là màu đỏ. Nguyên nhân của chứng bệnh này là do các động mạch bị thu hẹp đột ngột, gọi là chứng co cứng mạch.
Bệnh Raynaud cũng có thể liên quan đến một số bệnh như viêm khớp dạng thấp hoặc các vấn đề về tuyến giáp.

Hình dạng móng chân thay đổi.

Hình dạng móng chân (móng tay) bỗng nhiên thay đổi, phần móng bị cong lên bất thường, đầu móng cúp xuống phía dưới. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh phổi, bệnh tim, gan và rối loạn tiêu hóa hoặc một số bệnh nhiễm trùng.

Tác giả:

Tin nên đọc