Các cụ bảo: "Không ai giàu 3 họ - không ai khó 3 đời", tại sao?

( PHUNUTODAY ) - Số phận con người, giàu hay nghèo không phải là nhất thành bất biến, mãi mãi giữ nguyên, mà sẽ thay đổi theo thời gian.

Ý nghĩa câu nói: "Không ai giàu 3 họ - không ai khó 3 đời"

Lời dân gian Đất có tuần, dân có vận; Sông có khúc, người có lúc; Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời... phản ánh sự biến thiên, thay đổi theo quy luật phát triển của cá nhân, dòng họ, cộng đồng, đất nước... Bởi vậy, dù kinh tế xã hội phát triển ra sao, “ổn định” đến mức nào cũng không ngăn được chuyện đời cha là tỉ phú, đời con đời cháu đi ăn mày; đời cha đi ăn mày, con cháu thành tỉ phú…

Rất nhiều tỷ phú xuất thân từ những gia đình bần hàn. Chính sự giáo dục đúng đắn đã thay đổi số mệnh của họ. Theo kinh nghiệm sống của ông bà xưa, vận mệnh con người luôn thay đổi, không ai mãi nghèo mà cũng chẳng có ai là mãi giàu. Trong xã hội, có người làm ăn phát đạt, tiền chất như núi, địa vị cao sang nhưng chẳng được bao lâu thì bị truy tố phát luật vì tham ô, lừa đảo hoặc vì ăn chơi, cờ bạc mà tiêu tán hết.

Tại sao "không ai giàu 3 họ"?

Người nghèo, dù khó khăn đến mấy, nếu biết phấn đấu, cần cù và chăm chỉ, thì rồi cũng sẽ có ngày thành công. Tương lai không ai có thể đoán trước được, chỉ có vận mệnh thay đổi theo tính cách, hành vi và lối sống của mỗi người. Đó là lý do mà ta có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.

Người giàu, nếu không biết nỗ lực và sống trung thực, dù có tiền như núi cũng không thể giữ được lâu. Đời người có nhiều biến cố, có thể bạn từ tay trắng tạo ra sự nghiệp hoặc thừa kế từ cha mẹ, nhưng nếu con cái bạn bắt đầu tiêu xài phung phí, sử dụng tiền để tìm kiếm niềm vui thì gia nghiệp sẽ sớm tan rã.

Nguyên nhân khiến người giàu có dễ tự mãn là do không coi trọng đạo đức và giáo dục. Vì vậy, với những gia đình giàu có, việc giữ cho tâm hồn trong sáng và dạy con cháu về luật nhân quả là rất quan trọng. Người trẻ cần được giáo dục nghiêm túc để biết cách bảo vệ gia nghiệp của tổ tiên.

Tại sao "không ai khó 3 đời"?

“Không ai khó ba đời” là một lời khuyên cho những người sinh ra trong gia đình nghèo. Người xưa muốn dùng câu này để khích lệ ý chí của những người nghèo, mong muốn họ có ý chí để vượt qua khó khăn. Dù có khó khăn đến mấy, chỉ cần có tri thức, chăm chỉ và sống thiện lành thì chắc chắn sẽ được trời ban phúc lộc.

Tuy nhiên, nếu người nghèo lại lười biếng và hay than phiền, họ sẽ không bao giờ có cơ hội làm được điều gì lớn lao hay thay đổi vận mệnh. Người này sẽ mãi sống dưới đáy xã hội, nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần khiến con cháu sau này cũng phải chịu khổ.

 

 

Tác giả: Mộc