Để ăn dưa, cà muối an toàn và không gây hại cho sức khỏe, bạn nên lưu ý những điểm sau:
Dụng cụ muối dưa phải đảm bảo an toàn
Bạn hoàn toàn có thể dùng lọ nhựa để muối dưa nhưng với điều kiện bình nhựa đó phải đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, một số người dân dùng thùng đựng sơn để muối dưa chua thì cực kì nguy hiểm.
Nhựa của bình đựng sơn có hàm lượng kim loại nặng sẽ cao. Kim loại nặng ở đây gồm các chất như chì, cadimi, asen... Khi muối dưa sẽ nhiễm ra nước muối dưa và ngấm vào sản phẩm. Điều này rất độc hại với người ăn.
Ngoài ra, nhiều gia đình cũng có thói quen muối dưa hành bằng các loại hũ sành làm từ đất nung. Những loại sành có tráng men thì không sao vì lớp men được tráng sẽ ngăn cho thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với phần sành.
Các hũ sành được nung từ đất, khi nước dưa ngâm lâu trong các hũ sành này sẽ hòa tan một số chất có trong đất. Nếu đất này bị ô nhiễm, có chứa nhiều kim loại nặng chẳng hạn thì sẽ rất dễ phơi nhiễm ra nước dưa, cà muối, ngấm vào thực phẩm, gây nguy hiểm cho người dùng.
Không ăn dưa, cà muối xổi
Khi mới muối, cải, hành, cà thường có sự biến đổi nitrat (tồn dư trong rau củ do được bón phân ure, hoặc do hút từ đất có nitrat cao) thành nitrit. Nitrit gây hại cho cơ thể. Chúng có nhiều trong dưa ở khoảng 3 ngày đầu.
Lúc bạn ăn dưa, hàm lượng axit trong dạ dày sẽ tạo điều kiện để nitrit tác động đến axit amin trong món ăn như thịt, cá, tôm... tạo thành hợp chất nitrosamine - một chất có khả năng gây ung thư.
Khi dưa chua và chín vàng thì lượng nitrit giảm xuống. Khi dưa muối đã bị khú, nổi váng trắng, lượng nitrit cũng sẽ tăng cao trở lại.
Bỏ đi đúng lúc
Khi dưa cà bị nổi váng vàng hoặc nấm đen là đã xuất hiện các vi nấm độc hại, thông thường có loại nấm aspergilus flavor. Vi nấm này sản sinh ra một loại độc tố có tên là aflatocin. Theo Theo nghiên cứu thì về lâu dài aflatocin có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm. Đây là lúc cần phải bỏ lọ dưa, cà của bạn đi.
Tác giả: