Có một câu chuyện về loài nhím kể rằng: Trong rừng sâu nọ, có một bầy nhím đang run cầm cập vì lạnh. Để chống rét chúng chỉ còn cách đứng lại gần nhau. Nhưng vì không chịu được những cái gai dài của nhau, được một lúc chúng lại phải chạy xa nhau ra.
Vì thời tiết quá lạnh, chúng lại muốn sát lại gần nhau để tìm thấy một chút hơi ấm. Nhưng càng gần nhau chúng lại làm tổn thương nhau bằng chiếc lông sắc nhọn của mình… Cứ như vậy nhiều lần gần nhau rồi lại xa nhau, bị giằng xé giữa cái lạnh và cảm giác đau đớn.
Bạn có thấy mình giống với con nhím trong câu chuyện kể trên không? Trong mối quan hệ yêu đương chẳng thể lúc nào cũng bằng phẳng trải đầy hoa thơm trái ngọt, sẽ không thể tránh khỏi những lúc mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, chiến tranh lạnh xảy ra… Chính lúc đó, cả hai bạn đều là những con nhím xù lông - kiêu hãnh và độc quyền - làm tổn thương nhau bằng những chiếc lông sắc nhọn của mình.
Có một sự thật khá phổ biến trong đời sống vợ chồng là càng sống với nhau lâu các cặp vợ chồng càng trở nên coi thường nhau. Sự thân thiết giữa hai vợ chồng bên cạnh tác dụng làm cho mối quan hệ ngày càng trở nên mật thiết, không gì có thể thay thế đánh đổi được thì nó cũng có mặt trái của nó. Vì quá gần gũi, quá biết về nhau nên vợ chồng cũng dễ nhìn thấy khuyết điểm của nhau nhất, từ đó dẫn đến coi thường nhau, không tôn trọng nhau, thấy không còn hấp dẫn, không còn say mê như thuở ban đầu.
Không chỉ trong mối quan hệ vợ chồng mà dường như trong tất cả các mối quan hệ thì việc thân thiết với nhau thường nảy sinh mặt trái là xem thường lẫn nhau. Việc thân thiết với nhau tới mức sâu xa như vợ chồng, một mặt cũng dẫn tới khuynh hướng coi thường lẫn nhau. Khi nhìn thấy khuyết điểm của nhau, người ta cảm thấy sự hứng khởi về nét đẹp, sự duyên dáng, hay tài năng không còn hấp dẫn mạnh mẽ như khi còn sống riêng. Cái mặt trái đó chính là bi kịch ngàn đời nay, là lý do vì sao mà trong tình yêu hôn nhân ít ai có thể đạt được hạnh phúc một cách trọn vẹn.
Từ khóa trong hiệu ứng con nhím chính là KHOẢNG CÁCH. Con người ta cũng như vậy, ai cũng phải có gia đình, người thân, đồng nghiệp, bạn bè. Chúng ta không thể sống cô đơn một mình. Vì thế chúng ta cần phải có nhau, để nhận “hơi ấm” của nhau. Việc sống với nhau trong gia đình, tập thể, cộng tác với nhau là văn hóa chúng ta thừa hưởng từ tổ tiên. Nó xuất phát từ việc thời xưa, ông cha ta phải sống theo những bộ tộc để đoàn kết lại chống thú rừng nguy hiểm, chống kẻ thù đe dọa tính mạng. Thế nhưng, con người không ai hoàn hảo. Ai cũng có những điểm tốt, thế mạnh và ngược lại là những điểm yếu, những điểm chưa hoàn thiện. Đó có thể là một vài thói quen xấu, những sự khác nhau trong sở thích, lối sống. Và vô tình, những điều này giống như những “sợi lông sắc nhọn”. Khi con người ta quá gần nhau, vô tình chính những điểm chưa tốt của nhau làm cho chúng ta khó chịu với nhau, từ đó có rất nhiều xung đột, mâu thuẫn không cần thiết xảy ra.
Như vậy, nếu muốn giảm thiểu rất nhiều xung đột xảy ra không cần thiết, chúng ta bắt buộc phải học loài nhím, đó là chấp nhận những “cái gai nhọn” của nhau và giữ khoảng cách. Những cái gai là một phần sinh ra tự nhiên của con nhím. “Những cái gai” của chúng ta cũng sẽ là một phần tự nhiên của cuộc đời mỗi người. Cuộc đời này hay là bởi vì không ai hoàn hảo, nhân vô thập toàn. Đó là một quy luật của tự nhiên. Cách chúng ta cần làm là duy trì một khoảng cách vừa đủ. Một sự quan tâm vừa đủ. Và cả những sự thẳng thắn vừa đủ. Tập trung quá nhiều vào điểm không tốt cũng không được. Nhưng quan tâm quá nhiều cũng không tốt. Điều cần thiết là sự cân bằng.
Trong một mối quan hệ, nếu thiếu sự quan tâm, bạn cần tìm cách để kết nối, gặp gỡ. Với mối quan hệ gặp nhau nhiều quá, hãy cho nhau những khoảng thời gian không có nhau, để mỗi người có những khoảng riêng dành cho mình.
Tác giả: