Cây đinh lăng có hoa và quả không?
Cây đinh lăng thường được trồng làm cảnh trong vườn nhà, trồng để thu hoạch lá và rễ. Cây này dễ trồng, có giá trị tốt nên còn được coi là "nhân sâm" của người nghèo. Người ta thường chỉ nhắc đến lá đinh lăng như một loại rau, một vị thuốc nam hoặc rễ có thể dùng ngâm rượu, sắc nước uống. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng cây đinh lăng có ra hoa kết trái.
Trên thực tế, hoa và quả của cây đinh lăng không phổ biến nên ít người biết đến. Nhiều người chưa từng thấy quả của cây này.
Hoa đinh lăng thường nở vào mùa hè. Hoa đinh lăng có màu trắng hoặc tím nhạt, mọc thành chùm nhỏ ở đầu cành. Khi hoa tàn, nó sẽ chuyển sang giai đoạn kết trái. Quả đinh lăng nhỏ, hình cầu hoặc hình bầu dục. Quả chín có màu tím đậm hoặc đen. Kích thước quả không lớn, bên trong có một hạt nhỏ.
Quả của cây đinh lăng không phải bộ phận được quan tâm nên nhiều người không chú ý đến nó. Đa số mọi người sẽ chỉ sử dụng lá và rễ của loại cây này.
Cách trồng cây đinh lăng
Cây đinh lăng là loại cây thân gỗ nhỏ, có thể đạt chiều cao từ 1-2 mét. Cây này có khả năng sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất khác nhau. Cây đinh lăng không cần tốn nhiều công chăm sóc. Bộ rễ của cây có thể ăn sâu vào đất, lan rộng, giúp cây hấp thụ dinh dưỡng tốt từ đất.
Cách trồng cây đinh lăng phổ biến nhất là giâm cành. Cây có thể phát triển tốt ở nơi có nhiều ánh sáng mặt trời, đất thoát nước tốt. Bón phân định kỳ sẽ giúp cây sinh trưởng mạnh.
Cây đinh lăng không cần chăm sóc nhiều nhưng vẫn cần tưới nước đều đặn. Chú ý quan sát độ ẩm của đất để bổ sung nước cho cây, tránh để cây bị ngập úng.
Nên thường xuyên cắt tỉa cành khô, sâu bệnh để cây phát triển khoẻ mạnh.
Nếu trồng cây đinh lăng trong chậu thì nên bón phân định kỳ và thay đất mới hằng năm để cây có đủ dinh dưỡng và không gian phát triển.
Lá của cây đinh lăng có thể thu hoạch để làm rau ăn thường ngày. Lá đinh lăng sống hay được dùng kèm các món nem thính, nem chua. Ngoài ra, lá đinh lăng còn dùng để nấu canh với thịt, cá giúp bồi bổ sức khoẻ, đặc biệt tốt cho người mới ốm dậy, phụ nữ sau sinh, người già. Lá đinh lăng cũng được dùng dưới dạng thuốc sắc để trị ho, trị tắc tia sữa, lợi sữa...
Tác giả: Thanh Huyền
-
Lấy 4 loại nước thải này đổ vào gốc cây, tưới 1 lần lá xanh mướt, hoa nở ầm ầm
-
Mẹo trồng ngải cứu tại nhà, cắm cành xuống đất là được, thu hoạch quanh năm
-
Vì sao hoa cẩm tú cầu đẹp nhưng không nên trồng trong nhà?
-
Cách trồng tía tô tại nhà, lá vừa to vừa nhiều, thoải mái ăn quanh năm
-
Cách trồng húng quế tại nhà, vừa làm gia vị, vừa tạo phong thủy tốt, hút tài lộc