Sau khi báo chí vào cuộc, dư luận đã phẫn nộ khi biết ngay giữa lòng Hà Nội, một bé trai 10 tuổi lại bị chính bố đẻ và mẹ kế bạo hành tới mức rạn xương sọ, gãy xương sườn, sụt 20kg. Đồng thời, nhiều ông bố, bà mẹ đơn thân cũng lo lắng đặt ra giả thiết: Nếu chẳng may con mình bị bạo hành, họ phải làm thế nào để "giải cứu" và giành quyền nuôi dưỡng con từ tay người cũ?
Trả lời vấn đề này với Afamily, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: Khi phát hiện con mình bị bảo hành, việc đầu tiên cha hoặc mẹ cần làm là báo ngay cho chính quyền địa phương, tổ dân phố biết để can thiệp kịp thời. Đồng thời yêu cầu người đang nuôi dưỡng con dừng thực hiện hành vi bạo hành, nếu cố tình tiếp diễn phải yêu cầu họ giao con cho mình nuôi.
Trường hợp, nếu người cha, người mẹ đang trực tiếp nuôi con sau ly hôn có hành vi bạo hành với con mà cố ý giữ con không chăm sóc, tiếp tục có hành vi bạo hành thì người cha, người mẹ đó có quyền gửi đơn đến tòa án nơi trẻ em đang bị bảo hành để yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn. Vụ việc sẽ được tòa án thụ lý và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ chứng minh có việc vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng chăm sóc, có hành vi bạo hành thì tòa án sẽ tuyên bản án quyết định giao con cho người bên kia nuôi con.
Liên quan tới vụ việc bé T.G.K (ngụ tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị bố và mẹ kế bạo hành, luật sư Đặng Văn Cường cũng phân tích hành vi phạm tối của hai đối tượng này.
Theo đó, cơ quan điều tra sẽ phải tiến hành giám định thương tật của cháu để làm căn cứ xử lý, từ đó xác định được mức phạt cụ thể dành cho các đối tượng. Nhưng về cơ bản các đối tượng đã vi phạm Điều 104 Bộ luật hình sự. Như vậy sẽ có các trường hợp sau xảy ra:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp đã quy định, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Theo luật sư Cường, trong vụ việc này tình tiết phạm tội với trẻ em, phạm tội với người mà mình có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng là những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng phạm tội.
Ngày 8/12, Phạm Thị Tú Trinh (mẹ kế của bé trai T.G.K) đã được triệu tập tới trụ sở công an quận Cầu Giấy để làm rõ việc có hay không việc Trinh cùng chồng là Trần Hoài Nam (34 tuổi) bạo hành cháu T.G.K trong suốt thời gian dài.
Trong bản tường trình, Trinh trình bày: “...Tôi và chồng tôi có dạy dỗ cháu. Riêng tôi có 2 lần dùng đũa ăn đánh vào tay cháu. Tôi chỉ đánh nhẹ không gây thương tích để cháu hiểu mình bị phạt vì mắc lỗi và lần sau không phạm lỗi nữa... Có lần đang nấu ăn, cháu xuống nghịch. Tôi bảo cháu không nghe nên có dùng muỗng canh bằng inox vụt vào bả vai cháu, nhưng không thấy cháu nói đau và cũng thấy cháu không có thương tích!...”.
Trao đổi với Thanh Niên, bác sĩ Đồng Hà Trung (khoa cấp cứu của bệnh viện E) cho biết: Cháu K. vào viện lúc trong tình trạng đau đầu, đau nhiều vùng ngực hai bên. Trên cơ thể có rất nhiều chấn thương phần mềm, cả cũ lẫn mới. Cháu đã được chỉ định chụp CT sọ não, siêu âm ổ bụng, chụp X quang ngực và được chẩn đoán chấn thương sọ não, chấn thương bụng kín.
Hiện cháu T.G.K đang ở cùng mẹ đẻ trong căn nhà trên phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tác giả: