Trước khi kết hôn, Trúc và Thiệu có khoảng thời gian tìm hiểu nhau khoảng 3 tháng, mặc dù đôi bên không có nhiều điểm chung và quan điểm sống khác biệt, nhưng vì gia đình hai bên quen biết nên họ đành tặc lưỡi kết hôn theo sắp đặt của bố mẹ.
Sau khi về làm dâu, Trúc được bố mẹ chồng cưng chiều và đối đãi như con cái trong nhà, nhưng ngặt nỗi Thiệu không mặn mà với cô vợ mới cưới, bởi đơn giản trong lòng anh vẫn khắc khoải hình bóng của người xưa.
Trúc hiểu chồng vẫn còn nhung nhớ người cũ, và thay vì cố gắng bồi đắp tình cảm vợ chồng thì cô ngày càng tỏ ra xa cách Thiệu. Thiệu tinh ý nhận ra điều này nhưng anh không quan tâm, bởi anh nghĩ đã hoàn thành nghĩa vụ là kiếm con dâu cho bố mẹ.
Ngay cả chuyện chăn gối của cặp vợ chồng son cũng thiếu sự nồng nhiệt, cả hai không ôm hôn và vuốt ve nhau trên giường, họ chỉ miễn cưỡng làm cho xong chuyện rồi quay lưng về phía nhau như hai kẻ xa lạ.
Mỗi khi về thăm nhà mẹ đẻ, Trúc luôn giấu giếm bố mẹ chuyện cô và chồng lạnh nhạt bởi Trúc thương bố mẹ. Cô sợ bố mẹ nghĩ ngợi rằng họ đã gián tiếp hủy hoại hạnh phúc của con gái khi nằng nặc ép cả hai tìm hiểu nhau.
Một hôm, Thiệu về nhà tối muộn, anh nồng nặc mùi rượu và gọi tên tình cũ. Trúc buồn bã vắt khăn lau khuôn mặt đỏ ửng vì say mèm của chồng, nhưng anh phũ phàng hất tay cô ra.
Thiệu gằn giọng: 'Đừng chạm vào anh, anh biết em đang cố gắng tỏ ra là một người vợ ngoan hiền, nhưng bố mẹ anh đã ngủ rồi, em không cần đóng kịch trước mặt anh!'.
Trúc bẽ bàng bởi câu nói của chồng khi phanh phui sự thật trần trụi về hôn nhân của hai người. Cô kìm nén cảm xúc, giọng lí nhí: 'Anh say rồi, bố mẹ đang ngủ, anh đừng to tiếng kẻo đánh thức bố mẹ!'.
Thiệu cười mỉa mai: 'Em không thể nắm giữ trái tim của anh, em hiếu thảo với bố mẹ anh thì được gì? Hôn nhân của chúng ta thật đúng là trò cười!'.
Bi kịch của người phụ nữ trong câu chuyện trên hoàn toàn xuất phát từ một quyết định sai lầm: kết hôn với người mình không yêu và người ra cũng không yêu mình. Sai lầm lớn nhất của người phụ nữ là lấy chồng cho xong, lấy chồng vì đến tuổi...
Nhiều cô gái vì áp lực gia đình, vì áp lực bên ngoài về chuyện lấy chồng, “ừ thì bị nói hoài đành lấy đại một người làm chồng” để rồi hối hận. Hôn nhân tan vỡ người thiệt thòi nhất vẫn lại là người phụ nữ, lỡ dở một lần đò, nếu có con thì lại một thân gái nheo nhóc.
Thế nên, việc lấy chồng suy cho cùng là việc của mình, hay dở cũng là do mình chịu, đến khi nào thấy thích hợp thì cưới , đừng vì bất kỳ một tác nhân bên ngoài nào ảnh hưởng đến quyết định trọng đại này của mình. Vì lẽ hạnh phúc của mình cần gì, cần nhiều cần ít thế nào, cần bao nhiêu là đủ chỉ mình mình mới biết rõ được.
Cuối cùng, mục đích đằng sau hôn nhân là sống một cuộc sống hạnh phúc với người mình yêu và có những thiên thần nhỏ. Vì vậy, nếu không muốn những đứa con mình sinh ra phải sống trong những trận cãi vã, đánh ghen hoặc sự bỏ bê, thờ ơ của bố mẹ, hãy luôn nhớ rằng cuộc sống là của bạn, không ai có thể sống thay.
Người ta có thể khuyên bảo, có thể tạo áp lực cho bạn nhưng khi bạn vui sướng họ không thể hưởng hộ, bạn đau khổ, tủi nhục họ không thể chịu thay. Hãy sáng suốt chờ đợi người thực sự phù hợp với mình thay vì kết hôn chỉ để "cho xong" vì quá nhiều áp lực.
Tác giả: