Thiếu vitamin, canxi
Vitamin C trong cam, bưởi, chanh... có vai trò thúc đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương. Vitamin K trong chuối, củ cải... có vai trò quan trọng trong việc đông máu, nếu quá ít vitamin này sẽ gây chảy máu chân răng. Canxi, magie và các chất chống viêm có trong dầu cá đều giúp răng lợi chắc khoẻ hơn.
Ngoài ra, chất xơ trong rau củ cũng tạo hiệu ứng loại bỏ mảng bám trên răng và bề mặt lợi tương tự như bàn chải đánh răng.
Ung thư máu
Một trong những biểu hiện của căn bệnh này là chảy máu chân răng. Các tế bào ung thư phát triển sẽ gây nên xuất huyết trong, làm cơ thể mệt mỏi. Đã có nhiều bệnh nhân ung thư xuất hiện những vết bầm tím trên da và chảy máu chân răng nhưng thường chủ quan, coi nhẹ triệu chứng này. Ngoài nguy cơ mắc ung thư máu, các nhà khoa học Thuỵ Điển đã công bố rộng rãi thông tin cho biết chảy máu chân răng có thể là dấu hiệu mắc ung thư vú ở phụ nữ.
Bệnh tiểu đường
Chảy máu chân răng có thể là dấu hiệu đầu tiên của chứng rối loạn chuyển hoá lượng đường và insulin trong máu. Theo báo Express của Anh, tỷ lệ viêm nha chu ở bệnh nhân tiểu đường cũng thường cao gấp hai hoặc ba lần so với người có sức khoẻ tốt. Chỉ có 3% trong số những người bị tiểu đường không bị bệnh viêm nha chu.
Áp xe chân răng
Áp xe răng là ổ mủ gây ra do nhiễm trùng bởi vi khuẩn ở phần trong của răng. Áp xe chân răng thường xảy ra như là kết quả của viêm hốc răng không được điều trị, hoặc răng bị thủng, vỡ cho phép vi khuẩn tấn công vào sâu bên trong. Khi răng lợi liên tục đau nhói, chân răng chảy nhiều máu, người lên cơn sốt, sưng tấy vùng mặt là khi các túi áp xe trở nên trầm trọng.
Bệnh về gan, thận
Gan, thận tham gia vào việc tổng hợp chất đông máu từ vitamin K nên khi cơ quan nội tạng này bị yếu đi thì các chất đó không thể tổng hợp được dẫn tới hiện tượng máu không đông và gây chảy máu chân răng.
Cần làm gì khi chảy máu chân răng?
Ngay khi có dấu hiệu chảy máu chân răng, người bệnh nên đi khám để tìm nguyên nhân và có phương pháp điều trị kịp thời, thích hợp. Nếu nguyên nhân do vấn đề răng miệng, cần điều trị triệt để.
Để phòng bệnh cần khám sức khỏe định kỳ, để bảo vệ sức khỏe răng miệng nói chung có thể giảm thiểu tình trạng chảy máu nướu răng: Hàng năm đến nha sĩ kiểm tra răng; đánh răng đúng cách, ít nhất hai lần một ngày; dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn; ngừng hút thuốc lá...Ngoài ra, nên bổ sung trong chế độ ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C, canxi...
Tác giả: