Cách phân biệt thịt ngon và thịt chứa chất tạo nạc
Thịt lợn sạch khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, các thớ thịt đều, khi chế biến có mùi thơm, không bị ra nước, thậm chí còn nở hơn. Lợn nuôi bằng thức ăn chứa hóa chất, da có độ căng khác thường, trương mỏng, có cảm giác như ứ nước bên trong, trên da còn xuất hiện đốm đỏ.
Thịt có chứa chất tạo nạc thường có màu đỏ tươi, thớ thịt nhão, cảm giác ứ nước bên trong, trên da xuất hiện đốm đỏ. Lớp mỡ dưới da rất mỏng và lỏng lẻo thường chỉ dày khoảng 1 cm, thịt có màu đỏ tươi rất đẹp mắt, thịt bóng sáng đỏ tươi.
Khi cắt một miếng dày khoảng 2 ngón tay rồi đặt lên dĩa, miếng thịt sẽ không đứng thẳng được lâu mà từ từ rũ xuống. Trong trường hợp người bán còn pha phẩm màu với máu lợn để thoa vào miếng thịt cho thịt đẹp như thịt tươi. Loại thịt này khi rửa sẽ chuyển màu nhợt và có mùi tanh rất khó chịu. Thịt, mỡ có màu vàng cũng không nên mua”.
Thịt ngon là miếng thịt có mặt ngoài khô, màu hồng tươi, thịt không bị ướt, nhớt, không có mùi hôi,chế biến món ăn có mùi thơm, không bị ra nước.
Khối thịt cầm thấy rắn chắc, lớp mỡ giữa da và thịt dày, dính chặt vào nhau, thớ thịt dài, đều, có độ đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào sẽ tạo ra vết lõm nhưng khi thả tay ra, chỉ 5,10 giây sau vết lõm sẽ trở lại vị trí bình thường.
Chất tạo nạc - chất cấm sử dụng trong chăn nuôi
GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết các chất tạo nạc cho lợn thường có nguồn gốc từ nhóm B-agonist là Salbutamol, Chlebutarol. Đây là nhóm chất độc hại mà Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấm sử dụng nhiều năm nay.
“Người chăn nuôi thường pha chất này với thức ăn cho lợn trong khoảng 1-2 tháng, thậm chí là 15 ngày. Sau khi sử dụng khoảng nửa tháng, người chăn nuôi phải cho lợn xuất chuồng vì nếu không chúng sẽ thoái hóa, có thể chết. Do đó, nếu ăn phải thịt lợn chứa chất tạo nạc, người sử dụng sẽ ăn trực tiếp tồn dư các chất đó”, PGS Thịnh cho biết.
Theo vị chuyên gia này phân tích, chất tạo nạc đi vào cơ thể lợn sẽ làm máu ở phần thịt nạc dồn lên phía mỡ bên trên. Sau đó, phần mỡ này chuyển dần sang màu đỏ giống như thịt nạc, khiến nhiều người tiêu dùng lầm tưởng.
Riêng về Salbutamol, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh vật học Việt Nam, cho hay đây là thuốc để điều trị bệnh hen suyễn với liều lượng rất nhỏ và cần sự kiểm soát chặt chẽ của thầy thuốc.
Tuy nhiên khi sử dụng trái phép trong chăn nuôi, người ta thường dùng với liều lượng cao hơn gấp 5-10 lần so với quy định, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
“Salbutamol và Clenbutarol đều được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Vì vậy, chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng sẽ hấp thụ bấy nhiêu.
Sau một thời gian tích lũy trong cơ thể, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa. Trường hợp ngộ độc nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng”, PGS Thịnh khuyến cáo.
Riêng về khả năng gây ung thư, chuyên gia này cho biết hiện nay chưa có công bố chính thức về điều này. Mặc dù vậy, chất tạo nạc vẫn là hóa chất có khả năng gây hại cho sức khỏe con người.
Dù Salbutamol (một hóa chất tạo nạc phổ biến nhất) vẫn đang được dùng trong y tế, nhưng PGS Thịnh vẫn khẳng định: “Không có nghĩa chúng được dùng trong y tế là có thể dùng để chăn nuôi. Chúng ta vẫn bán thuốc trừ sâu, nhưng không thể dùng để làm các việc khác. Do đó, người tiêu dùng cần chủ động hơn trong việc bảo vệ bản thân và gia đình”.
Tác giả: