Chuyên gia phong thủy gợi ý giờ đẹp cúng ông Công ông Táo để vạn sự hanh thông

( PHUNUTODAY ) - Theo dân gian, lễ cúng ông Công ông Táo sẽ được thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện, các gia đình có thể tổ chức sớm hơn thời gian này.

Ngày ông Công ông Táo năm nay là ngày nào?

Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp là các gia đình sẽ tổ chức lễ cúng ông Công ông Táo (còn gọi là Táo quân). Theo quan niệm dân gian, đây là thời điểm Táo quân cưỡi cá chép về trời báo cáo với Ngọc Hoàng tất cả những điều mắt thấy tai nghe ở trần gian.

Các gia đình tổ chức lễ cúng để tiễn Táo quân, mong cầu thần Bếp báo cáo những lời hay ý đẹp với Ngọc Hoàng.

Năm Nhâm Dần, ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp rơi vào thứ Bảy ngày 14/1/2023.

Nhiều người cho rằng nên cúng ông Công ông Táo trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp bởi sau 12 giờ trưa cổng thiên đình sẽ đóng. Lúc này Táo quân không thể vào chầu báo cáo với Ngọc Hoàng.

Theo VietNamnet, chuyên gia phong thủy Linh Quang cho biết, đó chỉ là quan điểm chung theo thông lệ và tập tục chứ không bắt buộc phải như vậy. Người miền Bắc thường cúng trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp và cũng có thể làm lễ tiễn Táo Quân sớm từ ngày 20, 21, 22 âm lịch. Trong khi đó, người niềm Nam lại cúng ông Công ông Táo vào buổi chiều tối ngày 23 âm lịch.

Vì vậy, thời điểm cúng sẽ phụ thuộc vào tín ngưỡng của người dân ở từng nơi sao cho thuận tiện và phù hợp nhất. Nhưng lễ cúng sẽ không làm sau ngày 23 tháng Chạp.

Giờ đẹp cúng ông Công ông Táo

Ngày ông Công ông Táo năm nay rơi vào thứ Bảy nên nhiều gia đình có điều kiện tổ chức đúng ngày. Tuy nhiên, nếu không sắp xếp được thời gian trong ngày 23 tháng Chạp, gia chủ hoàn toàn có thể tổ chức lễ sớm vài ngày.

Các gia đình có thể tham khảo một số khoảng thời gian như sau:

- Ngày 21/12 âm lịch: giờ hoàng đạo là 15-17h; 17- 19h.

- Ngày 22/12 âm lịch: giờ hoàng đạo là 9-11h; 15-17h.

- Ngày 23/12 âm lịch: giờ hoàng đạo là 7-9h; 9-11h; 13-15h.

Lễ vật cúng ông Công ông Táo

Thông thường, các lễ vật cúng ông Công ông Táo gồm:

- Mũ ông Công ông Táo ba cỗ hay ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Mũ dành cho các Táo ông có hai cánh chuồn, còn mũ của Táo bà thì không có phần này. Mũ của các Táo có gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyết màu sắc sặc sỡ. Lưu ý, màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công ông Táo thay đổi hàng năm theo ngũ hành.

- Hia ông Táo, một ít vàng mã tượng trưng.

- Mâm cỗ mặn gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, thịt luộc, giò, xôi gấc, xào thập cập, canh mọc...

- Lễ vật khác: trái cây, trà, rượu, trầu cau, hoa tươi...

- Cá chép

Các gia đình có thể sửa soạn mâm cỗ cúng ông Công ông Táo tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, không nhất thiết phải bày nhiều món, miễn là tập trung vào sự chỉnh chu và lòng thành.

Khi làm lễ cúng gia chủ cần mặc quần áo lịch sự, quần dài, áo sáng màu, không hở và thành tâm lễ bái với ngôn từ chuẩn mực.

* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

Tác giả: Thanh Huyền