Theo đó, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Public Health trong bối cảnh bệnh cúm mùa đang tiến vào giai đoạn cao điểm thu -đông, làm gia tăng nguy cơ bùng phát một đợt dịch bệnh lớn tiếp theo trên toàn cầu.
Nghiên cứu trên chỉ ra, người mắc Covid-19 sẽ bắt đầu phát bệnh với triệu chứng sốt, ho, đau nhức cơ, tiếp đến là buồn nôn và tiêu chảy. Một số bệnh nhân có thể sẽ bộc phát triệu chứng theo thứ tự ngược lại, tức là tiêu chảy, buồn nôn rồi mới đến ho, cuối cùng là sốt. Tuy nhiên, các trường hợp này có phần hiếm gặp hơn.
Joseph Larsen, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: "Trong bối cảnh ngày càng có nhiều phương pháp điều trị Covid-19 tốt hơn xưa, việc phát hiện bệnh nhân từ giai đoạn đầu có thể rút ngắn thời gian nhập viện".
Nhóm tác giả nghiên cứu cho biết, theo như kết quả nghiên cứu, sốt là triệu chứng có khả năng xảy ra đầu tiên ở những bệnh nhân trưởng thành mắc Covid-19. Thứ tự triệu chứng gần giống hệt nhau trên các ca bệnh nghiêm trọng lẫn ca bệnh nhẹ.
Không chỉ Covid-19, có nhiều căn bệnh khác cũng làm xuất hiện triệu chứng sốt và ho. So với bệnh cúm, Covid-19 có khả năng lây lan cao hơn gấp 2-3 lần. Đối với cúm, bệnh nhân có xu hướng bộc phát cơn ho đầu tiên. Ngược lại, người mắc một trong ba căn bệnh gây ra do virus corona - MERS, SARS và Covid-19 - thường phát sốt trước khi xuất hiện các dấu hiệu khác. Rối loạn tiêu hóa là đặc điểm giúp phân biệt bệnh nhân Covid-19 với SARS và MERS. Đa số người bệnh thường cảm thấy buồn nôn trước khi bị tiêu chảy.
Các chuyên gia khuyến cáo mọi người sử dụng thứ tự các triệu chứng này để chủ động khoanh vùng nhóm bệnh nhân cần xét nghiệm, từ đó phát hiện người nhiễm virus sớm hơn, hiệu quả hơn.
Vietnamnet ngày 17/8 dẫn tin từ trang SWI, một cụ bà 81 tuổi ở Thụy Sĩ có biểu hiện sốt, ho nên được làm xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, cả xét nghiệm dịch họng và xét nghiệm kháng thể được thực hiện 6 tuần sau đó đều cho kết quả âm tính.
Khi đến bệnh viện, cụ bà còn bị nổi mẩn đỏ trên da. Một nhóm bác sĩ da liễu tại bệnh viện bèn làm xét nghiệm mẫu da và kết quả cho thấy cụ bà dương tính với virus.
Trường hợp bệnh nhân nói trên đã được đưa lên tạp chí y khoa Lancet, làm dấy lên nhiều câu hỏi về những thiếu sót tiềm ẩn trong xét nghiệm dịch họng hiện nay.
Các tác giả nghiên cứu cho biết, "các mẫu lấy bằng bông gạc được thực hiện không chính xác là nguyên nhân dẫn đến một số lượng xét nghiệm âm tính giả đối với SARS-CoV-2 tương đối lớn". Trường hợp bệnh nhân trên cho thấy, xét nghiệm mẫu sinh thiết da có thể được sử dụng như một công cụ chẩn đoán bổ sung.
Tác giả: