Qua vẻ bề ngoài
Đừng phán xét một cụ già có vết sẹo trên mặt là bặm trợn, giang hồ. Khuôn mặt cụ không còn hoàn hảo, là do những năm tháng trai trẻ đã chiến đấu vì đất nước. Từ trước đến nay, con người có xu hướng dùng cảm xúc chủ quan để đánh giá người khác ngay từ cái nhìn đầu tiên, mà không để ý đến định luật “một nửa”. Cái gì mắt thấy, không hẳn là toàn bộ sự thật. Cái gì đẹp đẽ bên ngoài, không hẳn bên trong lấp lánh, lung linh.
Đánh giá người tốt, kẻ xấu qua vẻ bề ngoài, là một sai lầm trong giao tiếp, và rất dễ kết lầm bạn, tin lầm người. Không phải ai sinh ra cũng xinh đẹp. Không phải người giàu nào cũng thích phô trương. Có người xấu xí nhưng chân tâm lương thiện. Lại có kẻ nghèo hèn, nhưng thích vay mượn, để bản thân trở nên hào nhoáng.
Kẻ tiểu nhân ưa xu nịnh, người tốt thì thẳng tính. Kẻ tâm cơ nói lời ngon tiếng ngọt, người thật lòng lời roi vọt đắng cay. Kẻ lòng lang dạ sói luôn sẵn sàng đâm sau lưng để có được danh lợi. Người ăn ở lương thiện tuy ngoài lạnh nhưng trong ấm, đến thời điểm sẽ giơ tay tương trợ.
Lòng người như sông sâu, vẻ bề ngoài chỉ là lớp áo mượn. Nếu nhìn người khác qua vẻ bề ngoài đã vội đánh giá, dùng suy nghĩ hạn hẹp lên án đối phương. Đừng than trách nếu kết nhầm bạn, mắng nhầm người, tin lời tiểu nhân, lánh xa quân tử.
Qua lời đồn thổi
Có một câu chuyện ngạn ngữ rằng, chú lừa nọ sau một ngày cày bừa vất vả, bèn than với chó rằng: “Tôi mệt quá. Ước gì ngày mai được nghỉ ngơi một hôm”. Chó nghe xong, bèn kể lại với mèo: “Tôi vừa gặp anh lừa, anh ấy muốn nghỉ ngơi một ngày. Cũng không thể trách, chủ bắt anh ấy làm việc nhiều quá”. Mèo nghe xong, bèn kể với dê: “Anh lừa phàn nàn chủ nhân bắt anh ấy làm việc quá sức, muốn nghỉ ngơi một hôm, ngay mai không làm gì nữa”.
Dê nghe xong bền kể với gà: “Anh lừa không muốn làm việc cho chủ nữa, vì ông ấy bóc lột quá đáng. Có lẽ người khác sẽ đối xử tốt hơn với gia súc của mình.” Gà nghe xong bèn kể với chủ: “Anh lừa mệt quá rồi, không muốn làm việc cho ông nữa.” Chủ nghe xong, không phân định đúng sai, bèn giết chết chú lừa tội nghiệp.
Trong cuộc sống, lời đồn thổi khác xa với hiện thực không phải hiếm. Con người có xu hướng tin vào những gì nghe được, càng xấu xa càng thú vị, càng tệ hại càng hấp dẫn. Tuy nhiên, họ không buồn bỏ thời gian phân định phải trái, cuối cùng nghi oan cho người tốt, đối xử với họ tệ bạc.
Kết giao với một ai, ngoài sự chân thành cũng cần dùng đến lý trí. Nhân cách của con một người không thể hiện qua một câu chuyện phiếm tầm phào. Đôi khi, đó là lời ác ý của kẻ tiểu nhân, bịa đặt để vu oan cho người tốt. Thậm chí câu chuyện có có thể bị tam sao thất bản, bóp méo hoàn toàn sự thật. Thay vì quá cả tin, hãy dùng lý trí để phán đoán, như vậy mới có thể tạo nên những mối quan hệ chân thành.
Tác giả: