Nếu 3 tháng đầu tiên của thai kì là 3 tháng nguy hiểm nhất của bé thì 3 tháng giữa của chu kỳ mang thai lại là khoảng thời gian mà người mẹ bị tác động đến thân thể và sức khỏe nhiều nhất. Để hiểu rõ thêm về việc mang thai 3 tháng giữa thì nên kiêng gì, các bạn đừng bỏ qua bài viết sau nhé.
Trong giai đoạn mang thai 3 tháng giữa, thai nhi sẽ phát triển cực kì nhanh chóng và yêu cầu một lượng lớn chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ. Vì thế nên việc bạn ăn những gì trong khoảng thời gian này và chế độ dinh dưỡng của bạn có phù hợp hay không sẽ là một vấn đề vô cùng quan trọng cho sự phát triển của bé đấy.
Ngồi làm việc quá lâu
Khi làm việc văn phòng phải ngồi lâu, sau mỗi giờ nên di chuyển xung quanh nơi làm việc cho máu lưu thông đều, tránh trường hợp dẫn đến bệnh trĩ. Nếu đi xe đường dài, thỉnh thoảng cần xoa bóp bắp chân để các khớp và cơ chân không bị tê mỏi, chuột rút… Khi ngồi, bà bầu nên lót một chiếc gối sau lưng.
Nằm ngửa hoặc ngủ nghiêng sang phải
Khi ngủ, nên nằm nghiêng sang trái nhiều hơn. Theo giải thích của trưởng nhóm nghiên cứu Tomasina Stacey thuộc Khoa sản và phụ khoa của trường đại học Auckland, người mẹ ngủ ở tư thế ngửa hoặc nghiêng sang phía phải trong thời gian dài có thể đã gây cản trở lượng máu truyền cho thai nhi và khiến thai bị chết yểu.
Ngược lại, ngủ nghiêng sang bên trái có thể giúp phụ nữ giảm đáng kể nguy cơ thai bị chết yểu so với những tư thế ngủ khác. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn phát hiện có một mối liên hệ mật thiết giữa việc ngủ nhiều trong ngày hoặc ngủ nhiều hơn mức trung bình vào buổi tối với các trường hợp thai chết yểu. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thai chết yểu là 1,96/1000 trường hợp ở những người phụ nữ ngủ nghiêng sang trái; so với 3,93/1000 trường hợp ở những bà mẹ không ngủ ở tư thế này.
Gập người lên xuống thường xuyên
Những tư thế cúi nhặt vật gì đó dễ gây ảnh hưởng đến cột sống, chưa kể khi cúi người, máu tụ lên đầu dễ gây choáng váng và té ngã… Vì thế, khi cần thiết mẹ bầu nên nhờ người giúp đỡ hoặc quỳ gối xuống từ từ để làm.
Đứng lên ngồi xuống một cách đột ngột
Mẹ bầu nên chuyển đổi tư thế một cách từ từ, nếu đang ngồi thì nên dùng tay hỗ trợ và nhẹ nhàng đứng lên, có thể vịn tay vào điểm tựa và từ từ di chuyển đến phần trước ghế ngồi và duỗi thẳng hai chân ra. Tư thế chuyển đổi đột ngột khi đang ngồi lại đột nhiên đứng phắt dậy sẽ khiến cho các bạn bị choáng.
Đứng quá lâu
Việc mẹ bầu đứng quá lâu sẽ gây cản trở lưu thông máu, gây sưng và khó chịu mắt cá nhân, bàn chân, thậm chí dẫn đến hiện tượng phù nề khi mang thai… Những tác động này đều ảnh hưởng không tốt cho thai phụ.
Bắt chéo chân hay gập gối
Thói quen bắt chéo chân góp phần làm hạn chế lưu thông máu, giãn tĩnh mạch nhất là khi mang thai. Còn thói quen gập gối sẽ khiến lưng dưới bị đặt nặng áp lực. Tốt nhất nên phân đều lực lên cả hai chân và ngồi thẳng lưng.
Mang giày cao gót
Các chị em khi mang thi nên thay giày bệt hoặc giày đế thấp, để cân bằng trọng lượng cơ thể và đi lại dễ dàng hơn. Mang giày cao gót khiến trọng lượng tập trung vào mũi chân, máu huyết lưu thông không tốt, dễ gây phù nề bàn chân… và rất dễ bị vấp ngã.
Nghỉ ngơi quá ít
Mẹ bầu cần đảm bảo cho cơ thể có thời gian nghỉ ngơi cần thiết, cơ thể bạn cần có thời gian để tái tạo năng lượng, việc này rất quan trọng. Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ không ngủ đủ giấc dễ gặp trục trặc trong thời gian đau đẻ và sinh con.
Ăn kiêng
Mẹ bầu đừng quên cơ thể bạn đang nuôi thêm một sinh linh khác, chính vì vậy bạn bắt buộc phải tăng cân hợp lý trong thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cho cả hai mẹ con. Bạn sẽ cần phải ăn uống cân bằng thật tốt giữa bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ. Phụ nữ tăng ít cân hơn mức cần thiết sẽ có nguy cơ sinh con thiếu cân. Trẻ sinh ra bị thiếu cân có nguy cơ bị tử vong hay kém phát triển thể chất và trí tuệ.
Tác giả: