Sản phụ Nguyễn Thọ Loan (SN 1990, ngụ tỉnh Bạc Liêu, tạm trú huyện Nhà Bè, TP.HCM) nhập viện tại bệnh viện huyện Nhà Bè lúc 3h ngày 16/10, chẩn đoán ban đầu sinh con lần thứ hai, 38 tuần, ngôi đầu.
Lúc 6h10 cùng ngày, sản phụ sinh thường một bé trai cân nặng 3,4kg, sức khỏe bình thường. Từ 6h25 - 6h50, sản phụ có hiện tượng nhau thai không bong, máu chảy ồ ạt.
Các bác sĩ bệnh viện huyện Nhà Bè đã xử trí ban đầu, sau đó kích hoạt báo động đỏ liên viện cho bác sĩ trực của bệnh viện Hùng Vương, báo về tình trạng sản phụ, nhóm máu và tiếp tục điều trị tích cực cho bệnh nhân.
Đúng 15 phút sau các BS đã có mặt ngay tại khoa Sản và thiết lập 3 đường tuyền tĩnh mạch, bơm máu, bơm dịch hồi sức, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn và chuyển phòng mổ.
Sau khi xem xét kỹ càng, các BS chẩn đoán, sản phụ bị băng huyết sau sinh, choáng rất nặng, nhau bám chặt, đờ tử cung, máu mất lượng lớn (khoảng 3.000 gram). Đặc biệt, sản phụ bị lộn tử cung, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao.
Sau hơn 3 giờ cấp cứu hồi sức khẩn cấp, bệnh nhân ổn định trở lại, không còn xuất huyết, không còn trong tình trạng sốc, được chuyển về BV Hùng Vương điều trị tiếp.
Đến sáng ngày 17/10, bệnh nhân đã hồi phục tốt, tỉnh táo và được tiếp tục nằm lại điều trị theo dõi, trong khi bé trai hiện đang được người nhà chăm sóc tại BV huyện Nhà Bè.
Từ đầu năm đến giờ, đây là trường hợp lộn tử cung đầu tiên mà BV Hùng Vương tiếp nhận. Bệnh lý này rất hiếm gặp (tỉ lệ 1/2000 - 1/6000 sản phụ) nhưng lại có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, lộn tử cung có thể khến sản phụ mất máu nhiều sau khi sinh, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Lộn tử cung là tai biến sản khoa cực kỳ hiếm gặp, các bệnh viện tại TP HCM từ đầu năm đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào. Tử cung của bệnh nhân bị lộn từ ổ bụng ra bên ngoài âm đạo gây chảy máu ồ ạt, đe dọa tính mạng. Bệnh nhân cần được xử trí khẩn cấp tại chỗ, nếu chuyển viện sẽ tử vong. Yếu tố gây lộn tử cung là sinh nhiều, sinh dày khiến cơ tử cung nhão, bánh nhau bám quá chặt trong lòng tử cung nên khi em bé lọt lòng, kéo bánh nhau thì tử cung sẽ ra cùng.
Để phòng chống bệnh lý này, cách tốt nhất là sản phụ nên khám thai định kỳ, theo dõi sát trong quá trình chuyển dạ để được xử trí kịp thời.
Tác giả: