Mới đây trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh về hóa đơn thanh toán bữa ăn của một nhóm du khách tỉnh Đồng Nai gồm 9 người tại khu du lịch Tuần Châu, TP. Hạ Long (Quảng Ninh) hết 9 triệu đồng kèm theo thông tin cho rằng mình đã bị chặt chém.
Theo các vị khách phản ánh, cách đây ít ngày đoàn khách lên tàu du lịch Hồng Long (không rõ BKS) tại cảng Tuần Châu, sau đó được nhân viên mời chào đoàn ăn bữa trưa với đồ hải sản Hạ Long gồm: cá song, hải sâm, mực và cơm, rau.
"Mực ống bé xíu mà tính giá 700k/kg, hải sâm gói giấy bạc có 9 con mà cân hơn 3kg. Cá song 4,4kg với đơn giá hơn 680 nghìn/kg, tổng 2,992 triệu đồng. Bia lon Hà Nội với giá trên trời là 30 nghìn/lon và phục vụ tàu yêu cầu “bồi dưỡng” thêm 400.000 đồng tiền trà nước," vị khách cho biết.
Sau khi báo chí phản ánh sự việc nhóm du khách ở miền Nam ra vịnh Hạ Long tham quan bị chặt chém với bữa ăn trưa lên tới 8 triệu đồng, ban Quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã lên tiếng.
Trên tờ Thanh Niên đăng trả lời của ban Quản lý vịnh cho biết, kết quả điều tra bước đầu vụ đoàn khách Đồng Nai bị chặt chém vụ việc "bữa cơm hơn 8 triệu" trên vịnh Hạ Long là do đã thoả thuận với "cò mồi" mà không phải là người của nhà tàu.
Cụ thể, vào khoảng 10h ngày 11/11, anh Nguyễn Đình Tuyên đến từ bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, cùng đoàn khách gồm 8 người xuống tàu Hồng Long QN - 4266 tại cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu để đi vịnh Hạ Long.
Trước khi xuống tàu, một thành viên trong đoàn là anh Vũ Xuân Dũng (địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh) giao dịch với bà Nguyễn Thị Bảo Yến (địa chỉ tổ 4, khu 1, phường Hồng Hải, TP. Hạ Long) và thỏa thuận giá thuê tàu đi thăm vịnh là 2,6 triệu đồng, có ăn trưa trên tàu theo thực đơn gồm cá song, thuỷ sâm, mực ống, cơm rau. Anh này đã ký vào hóa đơn báo giá.
Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết kết quả kiểm tra tàu Hồng Long có đủ điều kiện vận chuyển khách và niêm yết giá.
Còn chủ tàu Hồng Long là ông Nguyễn Hồng Việt cho biết: Đội tàu nhận lại khách từ bà Nguyễn Thị Bảo Yến với giá 2 triệu đồng.
“Toàn bộ hải sản là do du khách thoả thuận với chị Yến, không liên quan đến nhà tàu, chúng tôi chỉ cho họ nấu nhờ, riêng tiền bia chúng tôi đã niêm yết giá rõ ràng, khách chấp nhận thì sử dụng, không thì thôi”, ông Việt cho biết.
Ban Quản lý vịnh cho rằng, nhà tàu Hồng Long vô can và đơn vị này sẽ làm việc với bà Yến.
Mối quan hệ của bà Yến với nhà tàu Hồng Long như thế nào chưa được đề cập đến.
Một lãnh đạo ban Quản lý vịnh Hạ Long cũng cho biết trên tờ Thanh Niên rằng, đơn vị đã có nhiều nỗ lực để ngăn nạn "cò mồi" khách tham quan vịnh Hạ Long nhưng không thể kiểm soát được hết và một số nhóm khách đã "mắc bẫy". Vì vậy, vị lãnh đạo này cũng cảnh báo các du khách cần vào cảng tàu mua vé, đồng thời tìm hiểu các thông tin đã được niêm yết để tránh những sự cố như trên.
Ban Quản lý vịnh cho rằng, mặc dù nhà tàu vô can nhưng vẫn sẽ nhắc nhở nhà tàu Hồng Long cũng như các nhà tàu khác cần hỗ trợ du khách nhiều hơn trong những tình huống tương tự.
Tác giả: