Dầu dừa thực sự có tác dụng chống nắng như bạn từng biết?

( PHUNUTODAY ) - Nhiều tín đồ làm đẹp đang xúi nhau dùng dầu dừa để cấp cứu da cháy nắng, tiếc rằng "đời không như là mơ".

Trong số các nguyên liệu từ thiên nhiên, dầu dừa có lẽ là thứ được các tín đồ làm đẹp gán cho nhiều công dụng nhất: dưỡng tóc, dưỡng da, tẩy trang, cạo lông chân, v.v... Tuy nhiên, không phải điều nào trong số đó cũng được công nhận, điển hình là việc dùng dầu dừa để dưỡng da và tẩy trang. Vốn dễ gây bít tắc lỗ chân lông, dầu dừa có thể trở thành nguồn cơn gây mụn; vậy nên nếu bạn sở hữu da dầu, dễ nổi mụn, tốt hơn hết là bạn hãy tránh bôi dầu dừa lên mặt.

Cũng gây hoang mang hệt như lời khuyên tẩy trang với dầu dừa, trong thời gian qua nhiều tín đồ làm đẹp tiếp tục rỉ tai nhau một công dụng "thần thánh" nữa của loại dầu này: chữa trị và hồi phục da cháy nắng. Quả thực là dầu dừa có độ ẩm cao, mang đến cảm giác trơn mềm rất dễ chịu khi thoa lên da, vậy nhưng bấy nhiêu có biến đây thành liều thuốc tiên cấp cứu làn da cháy nắng bỏng rát hay không?

Dầu dừa có thể phục vụ cho nhiều mục đích làm đẹp nhưng lại không hề có khả năng cấp cứu cho làn da cháy nắng như những gì được nhiều tín đồ làm đẹp rỉ tai nhau.

Rất tiếc câu trả lời là không. Bạn có thể dùng dầu dừa để dưỡng tóc, dưỡng da chân, da tay khô ráp nhưng đừng nghĩ đến việc thoa nó lên làn da vừa bị cháy nắng vì việc này không những không có ích lợi gì mà còn có thể khiến vùng da cháy nắng trở nên khó lành hơn.

Theo bác sĩ da liễu Deanne Mraz Robinson đến từ Học viện Da liễu Mỹ, khi được bôi lên da cháy nắng, dầu dừa sẽ ngăn cản da giải phóng nhiệt, đồng nghĩa với việc vùng da bị cháy nắng sẽ chậm "nguội" bớt và cảm giác đau đớn cũng kéo dài lâu hơn. Nói một cách ngắn gọn, việc bôi dầu dừa lên da vừa bị cháy nắng sẽ chỉ làm da lâu lành hơn mà thôi.

Chuyên gia da liễu nổi tiếng Renée Rouleau cũng đồng ý rằng dầu dừa không có tác dụng tích cực lên vùng da bị cháy nắng. Ngay sau khi bị cháy nắng, da cần được làm dịu và giảm viêm càng sớm càng tốt nhưng tiếc rằng dầu dừa chẳng mang đến bất cứ điều nào trong số đó.

Do vậy, để cấp cứu da bị cháy nắng, bạn hãy áp dụng những phương thức đã được công nhận rộng rãi về độ hiệu quả như chườm đá, thoa gel lô hội (nha đam)...

Vậy nhưng dầu dừa không hoàn toàn vô dụng trong việc hồi phục da bị cháy nắng. Tuy bạn không nên bôi dầu dừa ngay sau khi da bị cháy nắng nhưng có thể dùng nó để dưỡng ẩm, làm mềm da sau khi tình trạng cháy nắng đã được khắc phục, tức khoảng 12 tiếng sau đó.

Tác giả: Hạ Anh