Nên cầu gì khi đi lễ chùa trong năm mới
Tết đến xuân về là thời điểm khởi đầu cho một năm mới, mang theo nhiều hy vọng. Vào thời xa xưa, dịp năm mới chính là dịp “ngũ cốc đại thục” (ngũ cốc chín), cổ nhân sau khi được mùa thì sẽ tiến hành những nghi lễ thờ phụng và cảm tạ Thần linh, đồng thời cầu xin năm sau được mưa thuận gió hòa.
Năm mới truyền thống cổ xưa là bắt đầu từ mùng 8 tháng Chạp, kết thúc vào 15 tháng Giêng. Ngày mùng 8 tháng Chạp chính là ngày Đức Thích Ca Mâu Ni khai ngộ thành Phật. Chính vì thế, trong dân gian và chùa chiền thì ngày này người ta đều ăn cháo, một mặt là cầu nguyện cho năm mới ngũ cốc dồi dào, lục súc hưng vượng, nhưng mặt quan trọng hơn là để tỏ lòng kính ngưỡng, hướng về Đức Phật.
Cũng chính vào thời điểm ấy, cửa chùa rộng mở đón tiếp du khách bốn phương về đi lễ Phật đầu năm. Người Việt đến chùa không đơn giản chỉ là để ước nguyện, mà còn để hòa mình vào chốn tâm linh, gạt bỏ đi những lo toan vất vả của cuộc sống.
Người đến chùa mong cầu sức khỏe, bình an, mong cầu Thần Phật phù hộ cho con cái, cho công việc làm ăn, hay cho được công thành danh toại. Cũng có người đến chùa là để tìm lối thoát cho những khúc mắc trong cuộc sống của bản thân, như là cầu duyên, cầu được tai qua nạn khỏi, hay mong muốn vượt qua khủng hoảng, bế tắc. Tất nhiên, mặc dù hiếm hoi, nhưng đôi lúc nhà chùa cũng được đón tiếp những người mộ Đạo, muốn giải quyết những trăn trở trong kiếp nhân sinh, tìm về chân lý.
Những điều cần biết khi đi lễ chùa đầu năm
Đầu năm mới, nhiều người có thói quen đi chùa cầu may mắn, sức khỏe cho gia đình. Đây là nét đẹp trong văn hóa của người Việt, nhưng lễ chùa sao cho đúng, không phải ai cũng biết, đặc biệt là người trẻ.
Nguyên tắc ra vào chùa
Khi đi qua cổng Tam quan vào chùa, nên đi cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái), không bước vào cửa Trung quan (cửa giữa) cũng như dẫm lên bậu cửa, nếu không sẽ phạm tội bất kính. Theo quan niệm xưa, cửa Trung quan chỉ dành cho bậc Thiên tử, bậc cao tăng, khoa bảng ra vào chùa. Vì thế ngày thường nhiều chùa không mở cửa chính.
Lựa chọn trang phục phù hợp khi đi lễ chùa
Chùa là cõi thanh tịnh, nơi thờ Phật, do vậy khi vào chùa bạn nên mặc trang phục lịch sự, kín đáo, tránh mặc những trang phục quá hở hang, lòe loẹt. Các bạn nữ cũng không nên mặc váy, quần quá ngắn, gây phản cảm, thể hiện sự thiếu tôn trọng với thần thánh, tổ tiên, đồng thời có thể phát sinh những hệ quả xấu do trang phục không phù hợp.
Sắm sửa lễ vật
Khi đến dâng hương ở các chùa nên sắm các lễ chay như: hương, hoa tươi, quả chín, oản, xôi, chè… Không đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện tức là chính điện, là nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Trên hương án của chính điện chỉ được dâng đặt lễ chay, tịnh. Việc sắm sửa lễ mặn như cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt gà, giò, chả... chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu và chỉ dâng đặt tại ban thờ hay điện thờ.
Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện mà nên bỏ vào hòm công đức, để tránh dung tục hóa.
Trước ngày dâng hương lễ Phật ở chùa cần chay tịnh trong đời sống sinh hoạt ngày thường: ăn chay, kiêng giới, làm việc thiện.
Hoa tươi lễ Phật là hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… không dùng các loại hoa tạp, hoa dại.
Cầu nguyện
Theo quan niệm của Phật giáo, Đức Phật chỉ phù hộ an bình, che chở cho chúng sinh chứ không độ về đường công, danh, tài, lộc. Nếu muốn cầu về những đường này, bạn nên đến các đình, đền.
Tác giả: