Dịch tay chân miệng đang bùng phát: Đây là cách phòng bệnh quan trọng mà phụ huynh cần biết

( PHUNUTODAY ) - Bộ Y tế đưa ra 6 khuyến cáo để người dân và cộng đồng thực hiện nhằm phòng tránh bệnh tay chân miệng.

Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng gia tăng

Theo Tiền phong, từ đầu tháng 7 đến nay, số trẻ đến viện khám vì bệnh tay chân miệng ở Bệnh viện Nhi Trung ương tăng nhanh liên tục, trong đó có nhiều tường hợp nặng.

TS. Đỗ Thiện Hải, Trưởng Khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Hà Nội) cho biết hiện tại mỗi ngày có 15-20 trẻ nhập viện. Trong đó có không ít trẻ không rõ dấu hiệu nên phụ huynh không phát hiện được. Đáng nói nhiều trẻ có biến chứng như viêm não, viêm màng não, thần kinh. Số ca biến chứng do bệnh tay chân miệng năm nay nhiều hơn so với các năm trước đó.

Sức khỏe & Đời sống đưa tin, theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2020, ghi nhận 38.704 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, 20.536 trường hợp nhập viện và không có ca nào tử vong.

Khuyến cáo về việc phòng tránh bệnh tay chân miệng

Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần phải vệ sinh chân tay sạch sẽ, không chỉ có trẻ mà cả người lớn cũng phải làm việc này.

Nếu thấy trẻ có biểu hiện nổi nốt ở tay, chân, miệng thì cần phải theo dõi sát. Nếu có bất thường cần đưa trẻ đi khám ngay. Bệnh này đa số xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi, phổ biến nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ nhỏ tuổi dễ có triệu chứng nặng. Người lớn có hệ miễn dịch đầy đủ hơn nên ít mắc bệnh này hơn. Tuy nhiên cũng có trường hợp trẻ vị thành niên và người trưởng thành mắc tay chân miệng.

Bộ Y tế đưa ra 6 việc cần làm để phòng tránh bệnh tay chân miệng:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn; trước khi ăn và trước khi cho trẻ ăn; trước khi bế ẵm trẻ; sau khi đi vệ sinh; sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; các dụng cụ ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch trước khi sử dụng, tốt nhất là ngâm tráng bằng nước sôi; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày (chẳng hạn như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà) bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Phân và các chất thải của bệnh nhân cần phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Tác giả:

Tin nên đọc