Quảng Ninh: Núi Bài Thơ bốc cháy dữ dội, khó dập lửa do địa hình hiểm trở
Khoảng 17h ngày 1/11, một đám cháy lớn đã xuất hiện tại khu vực lưng chừng gần đỉnh núi Bài Thơ (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh).
Trong khoảng 30 phút, ngọn lửa đã lan một vệt dài gần đỉnh núi Bài Thơ. Do địa hình núi cao, hiểm trở nên đến 18h15 cùng ngày, cảnh sát phòng cháy chữa cháy vẫn chưa khống chế được đám cháy.
Bà Trương Thị Đào (thường trú tại phố Hàng Nồi, đường Lê Thánh Tông, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết, vào khoảng 14 giờ chiều ngày 1/11, có một nhóm người leo núi Bài Thơ. Đến 17 giờ cùng ngày, nhóm người này hốt hoảng chạy xuống núi. Sau đó ngọn lửa bùng phát.
Cũng theo nhiều hộ dân ở khu vực này, từ vài năm trước đã có biển báo cấm khách du lịch leo trèo núi Bài Thơ, vừa qua lại có thêm biển thông báo: "Núi Bài Thơ đang tu sửa, cấm leo trèo dưới mọi hình thức". Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ gia đình lén lút cho khách lên tham quan.
Núi Bài Thơ cao hơn 200m, là địa điểm tham quan thú vị. Mỗi ngày có hàng trăm lượt thanh niên và du khách trèo lên đỉnh ngắm cảnh thành phố dù cho chính quyền ở đây đã dựng biển cấm lên núi tham quan do lo ngại mất an toàn.
Hiện các lực lượng chức năng đang tìm các phương án để dập tắt đám cháy, điều tra nguyên nhân.
Mới về trường 2 tháng, giáo viên mầm non bị phụ huynh tố đánh gãy ngón tay bé 5 tuổi
Ngày 1/11, chị Nguyễn Thị Cúc (SN 1973, tạm trú tại xã Nghi Đức, TP. Vinh, Nghệ An) đã làm đơn gửi các cơ quan báo chí nhờ vào cuộc làm rõ về việc con chị là cháu Nguyễn Duy Long (5 tuổi) đi học ở trường mầm non Nghi Đức và bị cô giáo Nguyễn Thị Đào đánh dẫn đến gãy ngón tay.
Trong đơn thư tố cáo, chị Cúc trình bày lại sự việc như sau: 17h chiều 25/10, anh Tâm (chồng chị Cúc) đi đón cháu Long ở trường thì thấy tay cháu bị sưng và thâm ở bàn tay trái. Lúc này, anh Tâm chở con mình về nhà và kể lại sự việc cho chị Cúc.
Ngày 26/10, gia đình đưa bé đi khám tại bệnh viện, bác sĩ kết luận cháu bị gãy ngón tay út. Do vậy, gia đình đã "tố" cô giáo Đào gây ra sự việc trên.
Ngày 27/10, nhà trường đã mời phụ huynh và học sinh đến làm việc. Trong bản tường trình, cô Đào cho biết đã "gõ" nhẹ 2 cái vào thay bé L. vì bé cào cấu bạn cùng lớp chứ không có chuyện đánh bé gãy ngón tay. Sau sự việc, 2 bé trên vẫn học và chơi bình thường.
Khi kết thúc cuộc họp, Ban giám hiệu nhà trường thống nhất xử lý kỷ luật khiển trách cô Đào, không xếp loại, không nâng lương trong quý tiếp theo của năm học 2017-2018.
Hiện cô Đào đã đến gia đình bé L. để xin lỗi và chịu mọi chi phí.
Vụ bảo mẫu đánh cháu bé 5 tháng tuổi tại Nghệ An: Không đủ cơ sở xử lý bảo mẫu
Ngày 1/11, Công an TP Vinh, Nghệ An đã có thông tin kết luận vụ việc gia đình anh Đinh Văn Tài (SN 1984), trú tại Phường Bến Thủy, TP Vinh có đơn trình báo lên cơ quan chức năng về việc “bảo mẫu” Đặng Thị L. (SN 1961), trú tại xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên,có hành vi đánh, lắc con trai mình 5 tháng tuổi.
Dựa trên các chứng cứ và lời khai của bảo mẫu L. thừa nhận có sự việc người này dùng tay vỗ mạnh vào người cháu bé. Việc lắc cháu bé là do cháu khóc, nên bà làm vậy để dỗ cháu nín. Tuy nhiên, gia đình đã đưa cháu bé đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe, kết luận cho thấy cháu không có thương tích gì.
Việc gia đình nghi ngờ một số lần bà L. tắt camera nhằm che giấu hành vi bạo hành là không có căn cứ. Chính vì những lý do trên, Công an TP.Vinh kết luận, không có cơ sở xử lý bà Đặng Thị L. về hành vi bạo hành.
Vụ xô xát ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Lãnh đạo bệnh viện nói gì?
Chiều 1/11, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã họp báo để cung cấp thông tin chính thức về sự việc này, trong đó khẳng định mọi chuyện xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, và phía Công an phường Ngọc Khánh đang tiếp nhận, điều tra làm rõ.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, việc bảo vệ của bệnh viện có hành vi đánh nhau với người nhà bệnh nhân là sai. Ngay trong sáng 1/11, phía Bệnh viện đã họp với các bộ phận liên quan để rút kinh nghiệm.
"Hiện tại vẫn đang phải chờ kết luận từ phía công an. Cho dù cơ quan công an có điều tra ra vụ việc bảo vệ không sai thì ban lãnh đạo bệnh viện cũng không đồng tình với việc đánh lại người nhà bệnh nhân của bảo vệ", ông Ánh cho hay.
Chia sẻ về việc bảo vệ có hành vi đánh người nhà bệnh nhân, ông Ánh cho rằng đó là hành động sai, bởi bảo vệ có nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự trong bệnh viện nên khi xảy ra xô xát thì cần phải thông báo với cơ quan Công an, không nên đánh lại người nhà bệnh nhân. Ngoài ra, ông Ánh cũng cho biết thêm, phía bệnh viện đã họp bàn, rút kinh nghiệm, kiểm điểm và xin lỗi người nhà bệnh nhân.
Hiện tại, vụ việc vẫn đang được cơ quan Công an Phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội điều tra làm rõ tiến hành điều tra làm rõ.
Quảng Bình: Tự ý rời trường mầm non, bé trai 2 tuổi chết đuối
Chiều ngày 01/11, Công an thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cùng các cơ quan chức năng đã hoàn tất khám nghiệm hiện trường vụ việc một bé trai 2 tuổi tử vong do đuối nước.
Nạn nhân là cháu Lê Văn Thanh Tùng (2 tuổi, quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, đang tạm trú tại phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn) đang là học sinh Trường Mầm non Quảng Thọ (phường Quảng Thọ, TX Ba Đồn).
Khoảng 8 giờ 30 ngày 01/11, trong lúc các cô giáo đang cho các trẻ nghỉ ngơi và đi vệ sinh thì bé Tùng tự ý ra khỏi trường. Khoảng 10 phút sau giờ đi vệ sinh, các cô không thấy cháu trong lớp nên đi tìm thì phát hiện cháu Tùng đã tử vong tại một bờ ruộng sâu cách Trường Mầm non phường Quảng Thọ khoảng 200m.
Bà Đặng Thị Hồng Ân, Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình cho biết, tại thời điểm xảy ra vụ việc thì cô giáo đang cho các cháu đi vệ sinh. Vậy nên việc bé trai tự ra khỏi trường là ngoài kiểm soát của các cô giáo.
"Hiện nhà trường đang xây dựng, có mở cổng ít phút để xe vào chở vật liệu, nên cháu có thể ra ngoài lúc này" - bà Ân nói.
Còn Thượng tá Lê Văn Hóa, Trưởng công an thị xã Ba Đồn – cho biết vị trí tai nạn là con đường cháu bé hay đi về nhà.
"Gia đình viết cam kết không khiếu nại, cháu tử vong do đuối nước" – Thượng tá Hóa khẳng định.
Tác giả: