Đổ giấm nóng vào bồn cầu, lợi ích tuyệt vời, biết công dụng ai cũng muốn làm theo

( PHUNUTODAY ) - Giấm trắng là nguyên liệu có giá thành rẻ, an toàn đối với sức khỏe, có thể giúp xử lý vấn đề cặn bẩn cũng như mùi hôi ở bồn cầu.

Nhà vệ sinh là nơi thường xuyên ẩm ướt, dễ có mùi hôi khó chịu và cần được làm sạch thường xuyên. Trong đó, bồn cầu là vật dụng được sử dụng hằng ngày, nơi chứa nhiều vi khuẩn gây hại nhất. Bồn cầu dễ đọng cặn bẩn và phát ra mùi hôi. Thông thường, mọi người lựa chọn các loại chất tẩy rửa hóa học được bán sẵn trên thị trường để làm sạch bồn cầu. Tuy nhiên, mùi của các chất tẩy rửa này không phải lúc nào cũng dễ chịu.

Thực tế, có nhiều nguyên liệu dễ kiếm, giá thành rẻ hơn giúp bạn giữ cho bồn cầu luôn sạch sẽ mà vẫn đảm bảo an toàn với sức khỏe. Nguyên liệu được nhắc đến ở đây chính là giấm và baking soda.

Đây là hai nguyên liệu được sử dụng trong nấu ăn và cũng có nhiều công dụng khác trong cuộc sống thường ngày. Baking soda kết hợp với giấm tạo ra phản ứng hóa học giúp làm sạch các cặn bẩn, khử mùi hôi đồng thời giải quyết vấn đề tắc bồn cầu ở mức độ nhất định.

Để làm được việc này, bạn cần đun nóng giấm lên nhiệt độ khoảng 40 độ C. Rắc đều banking soda lên bề mặt bồn cầu. Sau đó, đổ giấm đã được làm nóng lên trên. Để nguyên như vậy trong vòng vài giờ.

Kết hợp giấm và baking soda có tác dụng làm sạch, khử mùi hôi ở bồn cầu.

Giấm và baking soda sẽ làm mềm các vết bẩn, giúp loại bỏ ố vàng trên bề mặt bồn cầu, khử mùi hôi khó chịu, không có mùi hắc như khi dùng hóa chất. Giấm cũng có tác dụng nhất định trong việc tiêu diệt các loại vi khuẩn có hại như shigella (nguyên nhân gây ra chứng kiết lỵ) và khuẩn E.coli.

Để có hiệu quả cao nhất, bạn có thể làm việc này vào ban đêm. Để giấm và baking soda trên bề mặt bồn cầu qua một đêm và sáng hôm sau dậy sẽ cọ rửa, xả nước cho sạch.

Một tuần có thể làm việc này 1 lần để duy trì hiệu quả.

Lưu ý, cách này chỉ giúp giải quyết một phần nhỏ tình trạng tắc nghẽn ở bồn cầu. Nếu bồn cầu bị tắc do vướng các vật cứng thì phải tìm cách xử lý khác.

Khi vệ sinh bồn cầu, bạn nên đeo găng tay và khẩu trang để bảo vệ bàn thân. Tuyệt đối không trộn hai loại hóa chất tẩy rửa với nhau để tránh gây ra phản ứng nổ, gây bỏng hoặc sinh ra các chất độc hại không tốt cho sức khỏe.

Nên mở quạt thông gió hoặc cửa thông gió của nhà vệ sinh để đảm bảo không khí được lưu thông, giúp hạn chế hơi ẩm, ngăn chặn vi khuẩn và nấm mốc phát triển.

Tác giả: Thanh Huyền