1. Trường hợp không phải cấp đổi thẻ Căn cước khi đủ 14, 25, 40, 60 tuổi
Theo Điều 21 và Điều 24 Luật Căn cước 2023 quy định các trường hợp công dân phải thực hiện cấp đổi thẻ Căn cước bao gồm:
- Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.
- Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;
- Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật;
- Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước;
- Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;
- Xác lập lại số định danh cá nhân;
- Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.
Bên cạnh đó, công dân phải thực hiện cấp lại thẻ Căn cước trong trường hợp sau:
- Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được;
- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam.
Như vậy, một trong những trường hợp công dân phải thực hiện cấp đổi thẻ căn cước là đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 21 Luật Căn cước 2023 có quy định, thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước theo quy định thì có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ căn cước tiếp theo.
Do đó, khi công dân cấp đổi thẻ Căn cước trong độ tuổi sau sẽ không phải cấp đổi thẻ Căn cước khi đủ 14, 25, 40, 60 tuổi, cụ thể:
+ Thẻ Căn cước được cấp từ khi đủ 12 - 14 tuổi thì thời hạn sử dụng của thẻ là khi đủ 25 tuổi.
+ Thẻ Căn cước được cấp từ khi đủ 23 - 25 tuổi thì thời hạn sử dụng của thẻ là khi đủ 40 tuổi.
+ Thẻ Căn cước được cấp từ khi đủ 38 - 40 tuổi sẽ hết hạn vào năm 60 tuổi.
+ Thẻ Căn cước từ khi đủ 58 tuổi trở đi có thời hạn sử dụng đến hết cuộc đời (trừ trường hợp thẻ bị mất hoặc hư hỏng).
2. Hướng dẫn thủ tục cấp thẻ căn cước trên VNeID
Theo đó, tại điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 70/2024/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, ứng dụng định danh quốc gia như sau:
- Công dân lựa chọn thủ tục, kiểm tra thông tin của mình được khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trường hợp thông tin chính xác thì đăng ký thời gian và cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục, hệ thống sẽ xác nhận và tự động chuyển đề nghị của công dân đến cơ quan quản lý căn cước nơi công dân đề nghị cấp thẻ căn cước;
Sau khi hoàn thành thủ tục nêu trên, công dân đến cơ quan quản lý căn cước theo thời gian, địa điểm đã đăng ký để thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo trình tự, thủ tục sau đây:
- Công dân đến cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú hoặc cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an đối với những trường hợp do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, cung cấp thông tin gồm họ, chữ đệm và tên khai sinh, số định danh cá nhân, nơi cư trú để người tiếp nhận kiểm tra đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi thì hồ sơ đề nghị cấp thẻ căn cước phải có giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh là người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi;
- Trường hợp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa có hoặc có sai sót thì người tiếp nhận thực hiện việc điều chỉnh thông tin theo quy định tại Điều 6 Nghị định 70/2024/NĐ-CP trước khi đề nghị cấp thẻ căn cước;
- Trường hợp thông tin của công dân chính xác, người tiếp nhận đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước trích xuất thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sau khi xác định thông tin người đề nghị cấp thẻ căn cước là chính xác thì thực hiện trình tự thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại mục 2.
Đối với trường hợp người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thì lựa chọn thủ tục, kiểm tra thông tin của người dưới 06 tuổi trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác thì người đại diện hợp pháp xác nhận chuyển hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý căn cước xem xét, giải quyết việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.
Lưu ý:
- Trường hợp cấp đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước hoặc cấp đổi thẻ căn cước thì người tiếp nhận có trách nhiệm thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, thẻ căn cước đang sử dụng.
- Trường hợp công dân không đến nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước theo thời gian, địa điểm đã đăng ký hẹn làm việc với cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thì hệ thống tiếp nhận yêu cầu của công dân sẽ tự động hủy lịch hẹn công dân đã đăng ký khi hết ngày làm việc. Nếu công dân tiếp tục có nhu cầu cấp thẻ căn cước thì đăng ký hẹn lại.
Tác giả: Mộc
-
Sang đến 1/1/2025, giấy phép lái xe cấp trước đó được cấp, đổi lại thế nào?
-
Từ nay tới 31/12/2024: Trường hợp cần đi cấp đổi lại BHYT cố giữ lại chỉ thiệt thòi
-
Từ 1/2025, bắt buộc xác thực sinh trắc học qua Căn cước/Căn cước công dân mới được giao dịch ngân hàng điện tử?
-
Đăng ký khai sinh cho trẻ phải bắt buộc mang họ của cha đúng không? Khai sinh cho con theo họ mẹ được không?
-
Nếu bị tịch thu bằng lái, người vi phạm có còn được phép lái xe nữa hay không?