Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một ông chồng đánh ghen vợ và nhân tình.
Theo nội dung đoạn clip livestream này ghi lại, ông chồng làm việc ở quê để nuôi con còn người vợ vừa học vừa làm tại Hà Nội. Khoảng thời gian từ Tết đến nay, người vợ đã thuê phòng và sinh hoạt như vợ chồng với một người đàn ông khác.
Người chồng đã bắt gặp vợ nhắn tin với trai lạ có nhắc nhở nhưng nhân tình của vợ lại có giọng thách thức và phân biệt vùng miền nên anh quyết tâm ra phòng trọ ở Hà Nội để bắt quả tang.
Nhưng điều đáng nói, ông bố này đưa cả con theo để đánh ghen. Hình ảnh đứa con khoảng 3,4 tuổi ngơ ngác đứng nhìn bố mẹ xung đột. Thậm chí đứa con còn phải chứng kiến cảnh mẹ mình và người lạ áo còn chưa kịp cài cúc. Mặc dù thương và đồng cảm với anh chồng nhưng cũng không ít ý kiến phản đối việc lôi trẻ vào những xung đột của người lớn.
Chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Lê Thị Lan Phương lý giải ghen dưới góc độ tâm lý học xuất phát từ cảm giác bất an, sợ hãi, bực tức và lo lắng về một sự mất mát trong tình yêu, hôn nhân và gia đình.
Trong trường hợp cụ thể này, chị Lan Phương hoàn toàn thấu hiểu và cảm thông với hành động đánh ghen của ông chồng. Làm sao có thể chịu đựng được khi người vợ say đắm với nhân tình không đoái hoài gì đến con cái. Đã vậy cô ta cùng kẻ thứ 3 còn thách thức trước lời nhắc nhở của anh chồng.
Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý cũng khẳng định, việc đưa con đi đánh ghen, để con chứng kiến cảnh bố mẹ chửi nhau là hành động sai trái. Đặc biệt là dẫn con theo với mục đích gây áp lực và trả thù vợ hoặc chồng mình để thoả mãn sự giận giữ, bất an trong lòng.
Việc con chứng kiến những hình ảnh “không đẹp” của người lớn, trong đó phần chính là của bố, mẹ mình sẽ ghi dấu ấn sâu đậm trong đầu con trẻ và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Là một người phụ nữ từng trải qua bạo lực gia đình suốt 5 năm trời, chị Phùng Bích Dần (quê Yên Bái) đã tỏ ra không tán thành với việc người đàn ông trong câu chuyện bắt vợ ngoại tình đang gây xôn xao trên mạng cho con nhỏ chứng kiến.
Chị Bích Dần kể lại quá khứ của mình: “Những ngày đầu, khi tôi và chồng cãi nhau thì tôi không hề để ý đến cảm xúc của các con. Lần nào cãi nhau hay anh đánh mình đều có sự chứng kiến của con, vì lúc đó tôi nghĩ con còn nhỏ chưa hiểu và nó mải chơi sẽ không để ý chuyện của người lớn.
Nhưng, hết lần này đến lần khác, con phải chứng kiến bố mẹ cãi chửi nhau cho đến khi con tôi cứ hay gào khóc, hoảng sợ mỗi khi tôi chỉ đưa tay ra chưa kịp đánh đã khiến con giật mình.
Sau đó, tôi có đưa con đi khám bác sĩ, tôi có kể về chuyện của vợ chồng tôi. Và khi đó, bác sĩ nói con tôi đang có dấu hiệu bị ảnh hưởng của bạo lực gia đình, khi con phải chứng kiến bố mẹ đánh chửi nhau.
Khi nghe bác sĩ nói, tôi chợt giật mình và đã cố gắng để con không phải chứng kiến. Nhưng, khi sinh con thứ 2, chồng không thay đổi và vì lo sợ con sẽ tiếp tục bị ám ảnh bởi bạo lực gia đình, tôi đã viết đơn ly hôn vì không muốn con bị tổn thương thêm một lần nào nữa”.
Từ câu chuyện của mình, chị Bích Dần cho rằng: “Tôi nghĩ là không nên để con trẻ chứng kiến những không hay, không vui của người lớn. Vì, các con sẽ bị ảnh hưởng và tổn thương rất nhiều từ tâm lý đến tính cách. Các con như một tờ giấy trắng, nên cha mẹ cần cố gắng tự giải quyết với nhau thì hay hơn”.
Tác giả: