Dứa đang vào mùa, bà bầu thắc mắc về nguy cơ ăn dứa sảy thai liệu có đúng không?

( PHUNUTODAY ) - Nhiều mẹ bầu thèm dứa những không dám ăn vì sợ dị ứng, nguy cơ sảy thai. Nhưng thực hư của việc này như thế nào, chúng ta cũng giải đáp nhé?

Những lợi ích của việc ăn dứa

Dứa tươi chứa đầy đủ các vitamin, enzyme và khoáng chất… là những chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể khoẻ mạnh. Dứa có nhiều lợi ích cho sức khỏe như sau:

- Cải thiện hệ tiêu hóa: Lượng enzim bromelain trong dứa có lợi cho quá trình tiêu hoá và đảm bảo trung hòa được lượng axit. Bromelain phá vỡ liên kết protein và thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Đồng thời điều tiết tuyến tụy để hỗ trợ trong quá trình tiêu hóa.

- Tăng cường hệ miễn dịch: Dứa chứa vitamin C giúp tăng cường và bảo vệ hệ miễn dịch cho mẹ bầu. Ngoài ra, chất bromelain trong dứa cũng có tác dụng chống lại những triệu chứng cảm lạnh thông thường.

- Tốt cho sức khỏe tim mạch: Nước dứa ép cải thiện lưu thông máu, tốt cho sức khỏe tim mạch và đảm bảo lưu lượng máu trong hệ thống tuần hoàn. Thêm nữa, bromelain trong dứa làm loãng máu giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và bệnh tim mạch khác.

Nếu cơ địa bị dị ứng dứa thì tốt nhất chỉ nên ăn dứa đã xào nấu

- Giảm nguy cơ cao huyết áp: Nước dứa ép làm giảm huyết áp do chứa đầy đủ kali và ít natri. Tỷ lệ này của kali và natri là cách tốt nhất để chống lại bệnh cao huyết áp. Một cốc nước ép dứa chứa khoảng 1 mg natri và 195 mg kali.

- Giúp chắc khỏe xương: Dứa có nhiều mangan là chất tốt trong việc duy trì xương khỏe mạnh. Một cốc nước ép dứa chứa khoảng 73% lượng mangan cho nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Dứa giúp phát triển xương ở giai đoạn trẻ và tăng cường cho xương khoẻ mạnh ở giai đoạn khác.

Bà bầu có nên ăn dứa không?

Thạc sĩ, bác sĩ Vương Thị Hồng Thúy (Phòng khám Đa khoa Quốc Đạt) khẳng định, cho đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh hay làm rõ việc bà bầu ăn dứa có thể gây sảy thai. Bởi, bất cứ loại quả nào cũng an toàn đối với sức khỏe của mẹ và bé khi được sử dụng ở mức độ hợp lí. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu mang thai, sản phụ cần hạn chế ăn dứa với liều lượng quá nhiều.

Dứa có thể gây dị ứng với mẹ bầu nên ăn giới hạn

“Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu không nên ăn hoặc uống quá nhiều nước dứa. Bởi, dứa có chứa enzyme bromelain gây kích thích cổ tử cung, dẫn tới các cơn co thắt tử cung. Đặc biệt, dứa xanh có tỉ lệ chất bromelain rất cao, khi mang bầu những tháng đầu ăn khoảng 7 quả/ngày dứa xanh dễ khiến sảy thai”, bác sĩ Thúy cho hay.

Ngoài ra, mẹ bầu ăn dứa nhiều có thể gây ra tiêu chảy và ợ nóng do dứa chứa nhiều axit gây ợ nóng. Vì vậy, mẹ bầu cần bổ sung dứa với lượng vừa đủ để tránh những tác dụng ngược.

Mặc dù dứa không tốt cho thai phụ những tháng đầu nhưng ở tháng cuối thai kỳ lại có lợi cho việc chuyển dạ và sinh nở. “Từ tuần 38 trở đi, khi em bé sẵn sàng ra ngoài thì mẹ bầu có thể ăn dứa nhiều hơn một chút để việc sinh đẻ được dễ dàng. Lúc này, enzyme bromelain trong dứa sẽ giúp làm mềm cổ tử cung của thai phụ”, bác sĩ Thủy nhấn mạnh.

Những điều cần lưu ý khi mẹ bầu ăn dứa

Dứa chứa nhiều enzyme bromelain, có tác dụng làm mềm khung xương chậu, nên khiến cho quá trình chuyển dạ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nhóm thai phụ mắc chứng bệnh về dạ dày, bị chấn thương liên quan đến gãy xương lại nên hạn chế ăn dứa. Bởi vì, dứa có tính axit mạnh nên ăn nhiều dễ gây tiêu chảy (nhất là khi ăn phải quả dứa còn xanh) hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển của xương.

Dứa tốt cho sức khỏe con người nhưng mẹ bầu vẫn cần lưu ý khi ăn

Dứa được biết đến như một loại thực phẩm chức năng, hữu ích cho sức khỏe, có chứa nhiều vitamin A, C, mangan, kali, magiê… bảo vệ các mô khỏi quá trình oxy hóa dẫn đến stress. Nghiên cứu mới nhất cho thấy, bromelain trong dứa có tác dụng giảm hiện tượng sưng phù. Ăn dứa cũng có tác dụng giải khát, đẹp da, duy trì cân nặng.

Có ý kiến cho rằng, ăn dứa sẽ gây nóng trong, dễ làm hỏng thai hoặc nếu người mẹ ăn dứa thì em bé sau khi chào đời sẽ nhiều rôm sảy, mụn nhọt… Các nhà khoa học khuyến cáo, thông tin trên là thiếu cơ sở. Bà bầu không nhất thiết phải kiêng dứa mà nên ăn với lượng hợp lý.

Bà bầu có thể bị dị ứng dứa. Đây là phản ứng của cơ thể với protein có trong dứa. Những biểu hiện của dị ứng dứa là: đau bụng, tiêu chảy, có thể xuất hiện ngứa toàn thân; bạn cũng có thể cảm thấy tê lưỡi, khó thở… Bác sĩ khuyến cáo, để tránh dị ứng dứa thì sau khi gọt vỏ, bạn nên cắt dứa thành từng miếng, ngâm nước muối nhạt 30 phút. Làm như vậy không chỉ tránh được hiện tượng rát lưỡi khi ăn dứa; mà còn giúp bạn thấy dứa có vị thơm, ngon hơn.

Nếu có cơ địa dị ứng, tốt nhất, bạn nên sử dụng dứa đã qua chế biến (xào, nấu canh). Dưới tác dụng của nhiệt, khả năng gây dị ứng của dứa sẽ không còn.

Tác giả:

Tin nên đọc