'Dục quá ắt tai họa': 3 dục vọng lớn, lách qua được, phúc lộc gõ cửa, giàu có cả đời

( PHUNUTODAY ) - Người sống ở trên đời, có 3 dục vọng lớn nếu có thể bước qua ắt sung túc, nhiều phúc lộc.

Cuộc sống vốn dĩ không dễ dàng, cứ đi cứ đi rồi cũng sẽ gặp phải những cái bẫy dục vọng, không cẩn thận ngã xuống, bạn sẽ rất khó thoát được ra. Vậy đời người, tồn tại những bẫy dục vọng nào.

Quá tham lam

Tư Mã Thiên trong “Sử kí” có viết: “Thiên hạ hi hi, giai vi lợi lai; thiên hạ nhưỡng nhưỡng, giai vi lợi vãng”. Ý muốn nói, con người trong thiên hạ, cả ngày bận tới bận lui, suy cho cùng cũng chỉ vì một chữ “lợi”. Chạy theo chữ “lợi” vốn là bản tính của con người, đó là điều dễ hiểu, nhưng quá tham lam thì lại đang là trói buộc chính mình.

Có câu nói như này: “Làm quan sợ mất mũ, lắm tiền sợ tiền tán”. Con người ta càng có nhiều cái gì, càng sợ mất đi cái đó. Đây có lẽ chính là lý do vì sao mà chúng ta càng sống càng trở nên thận trọng hơn, bởi lẽ nếu không cẩn thận, chúng ta có thể sẽ mất đi tất cả.

Đó cũng chính là điều mà chúng ta hay thấy, địa vị bạn càng cao, quyền lực càng lớn, bạn càng thấp thỏm, càng thận trọng, càng bó buộc bản thân, bởi lẽ một bước sai, có thể vạn bước sai. Ngược lại, những người chẳng có gì đều sống rất vui vẻ, không phải ư?

Sống ở đời, càng tham lam, càng dễ đánh mất chính mình. Tiền bạc chỉ là vật ngoài thân, sinh không tự đến, chết cũng chẳng mang đi được, vậy hà cớ gì phải tham lam để rồi khổ sở rước họa vào thân? Đừng để mình rơi vào cái bẫy của sự tham lam rồi bị nó đè bẹp, nhấn chìm trong chính dục vọng của bản thân.

Quá ích kỷ

Có người nói: “Người không vì mình thì trời tru đất diệt”. Câu này là cực đoan miêu tả lòng ích kỷ của con người. Ích kỷ là một cái bẫy lớn.

Những người tự cho mình là thông minh nghĩ rằng vị tha là điều mà chỉ những kẻ ngốc mới làm. Người khôn ngoan đã nhìn thấu điều đó. Cái mà lòng vị tha chịu đựng là những tổn thất ngắn hạn, những tổn thất nhỏ và điều mà nó tìm kiếm là những lợi ích trong tương lai, đó là những lợi ích lớn.

Lão Tử sớm đã nhìn thấu ra đạo lý “hữu vô tương sinh”, không vì lợi ích của bản thân, thực ra ở một mức độ nào đó là đang vì lợi ích của bản thân, “vô tư” ở một mức độ nào đó cũng chính là “tự tư” (tư lợi cho mình), người chỉ nghĩ tới lợi ích của bản thân e là không nhìn thấu ra được điểm này, tới cuối cùng, họ không hiểu được rằng vì sao mình cả đời không chịu thiệt thòi, nhưng lại chẳng bao giờ thu hoạch được lợi ích gì lớn lao.

“Vật cực bất phản”, nước đầy ắt sẽ tràn, trăng tròn vành vạnh rồi cũng sẽ lại khuyết, làm người, ích kỉ quá, không phải là đang mở đường mà là đang tự chặt đứt đường lui của chính mình.

Ích kỉ, thực ra là một hình thức ngầm tách mình ra khỏi nhóm xã hội, khi tất cả mọi người đều biết bạn chỉ nghĩ cho bản thân mình, còn bao nhiêu người sẵn sàng tiếp tục cùng bạn hợp tác? Còn bao nhiêu người sẵn sàng trở thành bạn “tâm giao” của bạn?

Quá đố kị, ganh ghét

Đố kỵ là một trạng thái tâm lý rất xấu và cũng rất đáng sợ. Người có lòng đố kỵ mạnh mẽ khi nhìn thấy tài năng, thành tựu hay những gì mà người khác sở hữu, tự họ liền cảm thấy bất công và oán hận, từ đó mà tìm cách hại người, phá hoại chuyện tốt của người khác.

Rất nhiều tội ác đều là do lòng đố kỵ của con người mà ra. Đố kỵ như con dao hai lưỡi, đã hại người lại hại chính mình. Ghen tuông là một con dao, hoặc đâm vào tim người khác, hoặc đâm vào chính mình.

Trong Kinh Thánh có kể lại câu chuyện về những Thiên Thần sa ngã mà đứng đầu chính là Lucifer. Lucifer cho rằng mình là một Thiên Thần hoàn mỹ, nhưng lại có tâm tật đố quá to lớn. Y từng vì tâm tật đố mà làm hại một người thường tên là Job, bởi ganh tỵ với việc ông được Thiên Chúa khen ngợi.

Cũng chính Lucifer do đố kỵ nên mới dụ dỗ ⅓ Thiên Thần trên Thiên giới làm loạn chống lại Chúa, cuối cùng tất cả họ đều bị đuổi ra khỏi Thiên Đường và Lucifer trở thành quỷ Satan.

Vào thời Đức Phật Thích Ca truyền Pháp, Ngài có một người đệ tử tên là Đề Bà Đạt Đa. Vị này ban đầu tu hành rất tinh tấn, nhưng sau khi có được một số thần thông rồi thì sinh tâm ngạo mạn, muốn được thay Phật lãnh đạo tăng đoàn.

Đức Phật không đồng ý, Đề Bà Đạt Đa vì tâm tật đố không chịu được bèn chia rẽ tăng đoàn, dụ dỗ một số tăng ni đi theo mình, sửa đổi Pháp của Đức Phật, còn hại chết ni cô Liên Hoa Sắc và làm Đức Phật bị thương. Vì vậy mà Đề Bà Đạt Đa không những không thể tu thành chính quả, mà sau khi chết còn bị đày vào địa ngục chịu cực hình.

Trong tiểu thuyết “Phong Thần diễn nghĩa”, Thân Công Báo cảm thấy mình có nhiều thần thông phép thuật, bản sự rất lớn, nhưng luôn bị sư phụ xếp sau Khương Tử Nha. Khi chọn người đi Phong Thần thì sư phụ của họ chọn Khương Tử Nha chứ không chọn ông ta, vì thế mà Thân Công Báo vô cùng đố kỵ, làm trái ý Trời mà dẫn 36 đạo quân đến đánh Khương Tử Nha.

Còn trong Tây Du Ký, mâu thuẫn trên đường đi lấy kinh của Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới cũng do tâm tật đố mà ra: Bát Giới ganh ghét với tài năng của Ngộ Không, cũng có lúc Ngộ Không oán trách vì sư phụ quá “thiên vị” Bát Giới. Vì thế mà Bát Giới hay ở trước mặt sư phụ nói xấu Ngộ Không, cũng có lúc Ngộ Không lừa cho Bát Giới mắc vào bẫy của yêu quái,… đều là phản ánh ra tâm tật đố trong quá trình tu hành của họ.

Từ những điều trên có thể thấy được, dưới góc nhìn của tôn giáo và giới tu luyện chính thống, tâm tật đố quả thật là căn nguyên của rất nhiều tội ác, có thể khiến người tu lầm đường lạc lối, hãm hại đồng môn và đồng đạo, thậm chí khiến các Thiên Thần trở nên sa ngã, huống hồ là người thường!

Con người khi có tâm tật đố, thì lúc nào cũng muốn trội hơn người khác, nơm nớp lo sợ người khác giỏi hơn mình, thấy ai có thành tựu hoặc sở hữu gì đó tốt đẹp thì không ưng ý, rồi tìm cách làm hại họ.

Một vị thánh chân chính có một trái tim không tì vết, giống như một đứa trẻ sơ sinh, chân thành và thuần khiết, lương thiện và trong sạch. Khi mới bắt đầu cuộc đời, con người trong sáng và hoàn mỹ, nhưng quá nhiều ham muốn mà không thể lấp đầy, dẫn đến bi kịch của cuộc đời.

Thực ra, ở đời người ta không cần giàu sang, xa xỉ, miễn là hạnh phúc. Trong phần đời còn lại của bạn, hãy luôn mở rộng tầm mắt, tăng cường kỷ luật tự giác và tránh được cạm bẫy của những ham muốn là một điều may mắn.

Tác giả: Thạch Thảo