Hà Nội, bé gái liên tục ngứa vùng kín do bị giun kim làm tổ, đẻ trứng

( PHUNUTODAY ) - Hai tháng gần đây, bé Nguyễn Quỳnh Anh (26 tháng tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) liên tục kêu đau và ngứa vùng kín (âm đạo). Điều này khiến gia đình rất lo lắng. Thậm chí, chị Nguyễn Thị Thảo (29 tuổi, mẹ bé Quỳnh Anh) còn nghĩ tới việc con mình bị x.âm h.ại tình dục.

Sau đó, gia đình đã đưa bé gái này đến phòng khám phụ khoa gần nhà thăm khám. Kết quả kiểm tra cho thấy bé hoàn toàn bình thường, không viêm nhiễm.

Kết quả khám chuyên sâu tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng không phát hiện điều bất thường. Trong khi đó, bé Quỳnh Anh vẫn liên tục kêu ngứa và khó chịu.

Một lần, được một đồng nghiệp khuyên đưa con đi khám ký sinh trùng, chị Thảo quyết định đưa con gái đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy bé bị nhiễm giun kim.

Sau khi được các bác sĩ hướng dẫn gia đình cách phát hiện và phòng bệnh, bé gái này đã không còn kêu ngứa ngáy, khó chịu và sinh hoạt trở lại bình thường.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành. Ảnh: Hà Quyên.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho biết những trường hợp như bệnh nhi này không hiếm gặp.

“Giun kim ký sinh và hoạt động trong cơ thể người khá đặc biệt. Loại giun này thường hay đẻ trứng vào cuối giờ chiều (18-19h), nên nhiều trẻ nhỏ thường hay kêu bị ngứa phần phụ vào thời điểm đó', bác sĩ Thọ cho hay.

Đặc biệt, ở các bé gái, giun kim thường bò ra âm đạo đẻ trứng gây khó chịu. Tuy nhiên, vì quá lo lắng, nhiều gia đình khi thấy trẻ kêu ngứa ngáy, khó chịu lại nghĩ đến viêm nhiễm phụ khoa mà bỏ qua bệnh về ký sinh trùng.

Do đó, chuyên gia này khuyến cáo khi thấy trẻ đặc biệt là trẻ đang độ tuổi đến trường kêu ngứa phần phụ vào buổi tối, cha mẹ có thể dùng đèn soi (khoảng 19h) xem có giun kim bò ra đẻ trứng hay không.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành. Ảnh: Zing.vn 

Khi phát hiện có giun kim, phụ huynh nên tẩy giun cho trẻ theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, để phòng bệnh phụ huynh nên vệ sinh sạch sẽ phần phụ cho trẻ hàng ngày.

Trước đó Ngày 19/9/2017, bác sĩ Đậu Anh Trung, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, vừa phẫu thuật thành công bệnh nhân nhi Trần Thị T. (3 tuổi), trú huyện Nghi Lộc, bị túi giun lớn gây tắc ruột.

 Hình ảnh giun kim làm tổ. (Ảnh internet)

Bé T. được gia đình đưa vào bệnh viện Sản Nhi Nghệ An 1 tuần trước đó trong tình trạng mỏi mệt, có biểu hiện nhiễm khuẩn, nhiễm độc và mất nước, bụng chướng nhiều, không thấy hình ảnh quai ruột nổi, nắn căng.

Theo gia đình, cháu bé đã có biểu hiện đau bụng và nôn cách đây một tuần. Thậm chí, có lần nôn ra giun, đại tiện chỉ ra nước tanh. Gia đình đã đưa cháu lên bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Lộc, sau đó mới được chuyển đến bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Qua thăm khám, bệnh nhi T. được chẩn đoán bị tắc ruột do giun dẫn đến nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng. Vì vậy, bệnh viện đã tiến hành bù dịch, dùng kháng sinh kết hợp và chỉ định phẫu thuật.

Tác giả: Nguyễn Thị Hương