Dùng chiêu "điệu hổ ly sơn" và xử lý bồ lẫn chồng theo cách quá xuất sắc
Trần Khiết Như là người vợ thứ ba của Tưởng Giới Thạch. Bà sống với Tưởng trong vòng 7 năm từ 1921 đến 1927.
Năm 1919, Trần Khiết Như lần đầu gặp Tưởng Giới Thạch chính tại nhà của vợ chồng Trương Tĩnh Giang. Trúng tiếng sét ái tình, Tưởng Giới Thạch quyết định làm quen với Trần nhưng bị cha mẹ bà viện cớ từ chối.
Đến mùa thu năm 1921, cha bà tái phát bệnh tim đột ngột qua đời, gia đình lâm vào cảnh khốn khó. Nhân cơ hội này, Tưởng Giới Thạch nhờ vợ chồng Trương Tĩnh Giang làm mối, cầu hôn Trần Khiết Như.
Ngày 5/12/1921, đám cưới được diễn ra tại Thượng Hải khi bà vừa tròn 15 tuổi, còn Tưởng đã 34 tuổi. Những năm sau đó, bà cùng Tưởng bôn ba hết từ Thượng Hải, lại xuống Quảng Châu...
Tuy nhiên, đến năm 1927, Tưởng Giới Thạch bất ngờ quyết định kết hôn với Tống Mỹ Linh và yêu cầu bà tạm thời tránh đi nơi khác.
Tức giận, bà bỏ về Thượng Hải. Tưởng Giới Thạch liền đi theo khuyên nhủ và hứa hẹn rằng, "trong vòng 5 năm, nhất định sẽ phục hôn với bà. Nếu trái lời thề, bản thân sẽ bị sét đánh, chính phủ Nam Kinh (cơ quan hành chính cao nhất của Quốc dân đảng) sẽ bị phá hủy".
Tưởng nói nếu ông không chịu trách nhiệm với bà trong vòng 10-20 năm thì "chính phủ sẽ bị lật đổ, bản thân phải sống lưu vong nước ngoài, mãi mãi không được trở về".
Trần Khiết Như thấy sự đã rồi, buộc lòng tin tưởng và nghe theo sắp xếp của Tưởng, đồng ý sang Mỹ du học. Sau khi bà đi, Tưởng Giới Thạch đã tuyên bố trước truyền thông rằng, ông không còn mối liên hệ nào với vợ cũ và nhanh chóng tổ chức hôn lễ với Tống Mỹ Linh.
5 năm sau, theo lời hẹn, Trần Khiết Như trở về sống ẩn dật tại Thượng Hải và tìm cơ hội gặp Tưởng Giới Thạch.
Đến năm 1941, tình thế khó khăn, bà mới ra mặt nhờ sự giúp đỡ từ Tưởng. Sau Tưởng đã sắp xếp đưa bà đến Trùng Khánh.
Để che giấu sự tình với Tống Mỹ Linh, Tưởng Giới Thạch nhờ đến sự giúp đỡ của cấp dưới Đới Lạp. Không thể từ chối, Đới sắp xếp cho Trần Khiết Như chuyển đến biệt thự riêng của mình ở Dương Gia Sơn.
Tại nhà của cấp dưới, Tưởng Giới Thạch muốn "dệt lại mộng uyên ương" với vợ cũ nhưng bị Đới ngăn cản do lo sợ Tống Mỹ Linh phát hiện. Sau đó, Đới đã khuyên Tưởng đưa Trần đến khu biệt thự khác ở dốc Tùng Lâm để tránh dị nghị.
Về Tống Mỹ Linh, lúc này bà không hay biết việc Tưởng Giới Thạch đang qua lại với vợ cũ nên vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội theo kế hoạch lên sẵn từ trước.
Một thời gian sau, bà mới nghi ngờ và thông qua hệ thống tình báo riêng cùng sự giúp đỡ của chị cả Tống Ái Linh, bà nắm được chứng cứ "ngoại tình" của Tưởng.
Lúc này do đang ở Vân Nam, nhằm "điệu hổ ly sơn", Tống Mỹ Linh đã gọi điện cho Tưởng Gốp Thạch thông báo về thời gian và chuyến bay trở về Trùng Khánh và hỏi dò liệu Tưởng có đến sân bay đón bà.
Nhận được cuộc điện thoại bất ngờ trên, Tưởng buộc lòng đồng ý. Sáng ngày hôm sau, Tưởng dẫn đầu một đoàn quan chức mang hoa đến sân bay đón vợ.
Tuy nhiên, Tống Mỹ Linh đã đáp chuyến bay sớm hơn về đến Trùng Khánh. Khi Tưởng đang ở sân bay thì bà đã lên xe được sắp xếp từ trước đi tới biệt thự tại dốc Tùng Lâm.
Vừa nhìn thấy Trần Khiết Như, Mỹ Linh nổi trận lôi đình, chưa kịp đợi đối phương phản ứng, bà đã tát và mắng Trần là "hồ ly dụ người".
Trần Khiết Như vô cùng hoảng sợ, vừa ôm mặt khóc vừa nói: "Khi xưa không phải vì bà thì ông ấy đã không đưa tôi đi. Nói thẳng ra, bà đã nhúng tay vào quan hệ của chúng tôi. Bà mới là kẻ thứ ba phá hoại chuyện tình của tôi và Tưởng tiên sinh".
Tống Mỹ Linh thoạt nghe liền biến sắc, toàn thân run rẩy, cho người đập phá đồ đạc. Một hồi sau nguôi cơn giận mới bỏ về.
Về phần Tưởng Giới Thạch, lúc này đã trở về nhà. Không biết sự việc vừa diễn ra, ông vẫn mang bó hoa với dáng vẻ mừng rỡ đứng ngoài cửa chờ Mỹ Linh về. Đợi đến khi Tưởng nhận thấy sắc mặt giận dữ của vợ mình thì Tống Mỹ Linh đã bước vào tới trong nhà.
Một số nguồn tin nói rằng, ngày hôm đó Tưởng-Tống đã có trận tranh cãi nảy lửa, thậm chí Tưởng còn bị vợ cào cấu mặt khiến ông xấu hổ không dám đi tiếp khách.
Đến tháng 11/1942, Tống Mỹ Linh bỏ sang Mỹ chữa bệnh. Tháng 6/1943, bà trở về Trùng Khánh và tìm mọi cách ngăn cản cuộc tình của Tưởng-Trần. Biết không thể đấu lại với Mỹ Linh, Khiết Như chấp nhận bỏ cuộc.
"Đánh ghen" không một chút vũ lực mà nhân tình của chồng răm rắp nghe lời
Tưởng Giới Thạch với bản tính trăng hoa chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ chung thủy với duy nhất một vợ. Chỉ cần thấy gái đẹp, gái tài là ông có thể rung động ngay.
Vào một ngày năm 1946, sau khi cuộc chiến tranh chống Nhật kết thúc, Tưởng Giới Thạch cùng Đới Lạp - vệ sĩ của mình tới nhà Trần Lập Phu chơi. Khi tới nhà Trần Lập Phu, hai người gặp một cô gái xinh đẹp bước ra rót trà. Tưởng Giới Thạch nhìn thấy cô gái đẹp như vậy xuất hiện trước mặt mình thì trong lòng xốn xang, vì vậy mới buột miệng hỏi cô gái này là ai thì được biết đó là cháu gái của chủ nhà.
Ngay lúc ấy, nắm bắt được ý của chủ nhân, Đới Lạp đã đứng ra mai mối cho Tưởng Giới Thạch và Trần Dĩnh bằng cách tiến cử Trần cô nương làm thư ký tiếng anh cho Tưởng để mối quan hệ được hợp tình hợp lý.
Chuyện làm việc chỉ là cái cớ, không lâu sau đó Trần Dĩnh đã là người của Tưởng. Họ chung sống bí mật trong những khi Tống Mỹ Linh vắng nhà nhiều ngày. Thời gian ấy, người ta chỉ thấy cặp đôi Tống - Tưởng xuất hiện thưa thớt ở một số sự kiện của Quốc dân Đảng. Không ngờ, Tống Mỹ Linh lại nhanh chóng phát hiện ra chồng tòm tem với thư ký.
Sau khi biết rõ về đối tượng, Mỹ Linh suy nghĩ thật thấu đáo. Chồng tài giỏi có tư tình với gái trẻ cũng là điều bình thường nhưng không phải vì thế mà người làm vợ như Tống có thể thấy mà nhắm mắt cho qua.
Xét về nhiều mặt, Trần Dĩnh không những trẻ đẹp, giỏi dang mà gia đình cũng không phải dạng vừa, còn liên quan đến cả người thân của Mỹ Linh. Hơn nữa, dù gì bà cũng không thể làm ầm ỹ để mất mặt một người lãnh đạo như Tưởng Giới Thạch. Dù diệt cỏ là phải diệt tận gốc nhưng với đối tượng này thì phu nhân Tưởng càng cần sự khéo léo.
Một ngày, Tống Mỹ Linh cho gọi Trần Dĩnh tới phòng của mình, giả vờ như hoàn toàn không hề biết gì về mối quan hệ mờ ám giữa cô và Tưởng Giới Thạch. Bà cất giọng đầy ấm áp và thân thiết với cách xưng hô khẳng định vị thế: "Con à, con vẫn còn rất nhỏ, mới chỉ ngoài 20, đang ở độ tuổi sung mãn nhất cuộc đời.
Ta vẫn thường hay than thở rằng, hồng nhan thì bạc mệnh, càng than thở cho những người phụ nữ chúng ta. Vì vậy, chúng ta càng phải trân trọng chính bản thân mình. Con à, đừng nhìn những gì trước mắt mình, phải nghĩ tới tương lai của cả cuộc đời mới được!".
Những lời nói chân thành của Tống Mỹ Linh lay động nội tâm Trần Dĩnh. Cô gục đầu vào người đáng tuổi mẹ mình mà vừa khóc vừa nhận lỗi: "Con sai rồi, phu nhân. Hãy cho con một con đường thoát".
Và câu chuyện ấy đã hoàn toàn chấm dứt ngay trong sáng sớm hôm sau. Trần Dĩnh dưới sự chuẩn bị kĩ lưỡng của Mỹ Linh đã rời sang Mỹ. Tưởng Giới Thạch sau khi biết chuyện thì có phần vừa ấm ức vừa tức giận. Thấy chồng hụt hẫng, Mỹ Linh điềm nhiên buông một câu: "Ông là người thông minh, chẳng lẽ ông không hiểu cách làm của tôi. Chẳng lẽ ông muốn tôi đem mọi chuyện ra giữa bàn dân thiên hạ để làm xấu mặt?".
Lời nói vừa đúng sự thật lại vừa như lời cảnh cáo. Tưởng biết bản lĩnh của vợ mình nên đành âm thầm để mọi thứ đi vào quên lãng.
Tác giả: