"Khối tài sản khủng" mà NSND Thanh Tòng để lại khi qua đời

( PHUNUTODAY ) - Nghệ sỹ Thanh Tòng qua đời để lại một "khối tài sản" khiến nhiều người phải ngả mũ.

10h sáng ngày 22/9, nghệ sĩ nhân dân (NSND) Thanh Tòng đã qua đời tại nhà riêng, sau một thời gian điều trị bệnh tại bệnh viện Việt Pháp. Thông tin này được con gái ông là NSƯT Quế Trân thông báo cho những người đồng nghiệp trong nước mắt.

Nghệ sỹ nhân dân Thanh Tòng qua đời. 

Một người bạn của nghệ sĩ chia sẻ trên trang cá nhân: "Thật đột ngột và đau lòng quá anh 5 ơi! Lần gặp cuối cùng là lúc hai anh em cùng trò chuyện tại HTV, nói về kế hoạch thực hiện CLB cải lương tuồng cổ cho lớp diễn viên trẻ đã từng đoạt Huy chương vàng Trần Hữu Trang. Anh 5 còn nhiều tâm huyết và trăn trở với sân khấu cải lương tuồng cổ. Thương anh biết chừng nào! Xin chia buồn cùng gia tộc Bầu Thắng, Minh Tơ đã mất đi một "chưởng môn nhân" được xem là thống soái của sân khấu cải lương tuồng cổ".

 

 

Đồng nghiệp đến đưa tiễn Thanh Tòng.

Thanh Tòng là hậu duệ đời thứ tư trong gia tộc đến nay có sáu đời theo nghề hát nổi tiếng miền Nam. Bà cố nội ông là chủ gánh hát bội Vĩnh Xuân, ông nội ông là bầu Thắng - kép hát bội lừng danh của đất Sài Gòn xưa, còn cha ông là nghệ sĩ Minh Tơ. Các tên tuổi như: Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý, Bạch Long, Thành Lộc, đạo diễn Phượng Hoàng... là em cô cậu của ông. Còn lớp diễn viên trẻ như: Tú Sương, Trinh Trinh, Thanh Thảo... là cháu ông.

Thập niên 1980 là thời kỳ rực rỡ của Thanh Tòng qua vai trò tác giả - đạo diễn. Ông sáng tác và dàn dựng thành công nhiều tác phẩm ca ngợi tinh thần yêu nước, anh hùng dân tộc, trong đó có nhiều tuồng kinh điển như: Câu thơ yên ngựa, Tô Hiến Thành xử án, Má hồng soi kiếm bạc, Ngọn lửa Thăng Long.

Tiếp bước người cha tài năng, ở hậu trường sân khấu, Thanh Tòng thể hiện khả năng quản lý đoàn hát, viết kịch bản, soạn vở, đạo diễn các tác phẩm tuồng cổ. Sau năm 1975, ông lập một nhóm hát thường xuyên, gây quỹ xây dựng nhà truyền thống sân khấu ở số 33 Cô Bắc (quận 1, TP HCM) nhờ đó đưa nhiều diễn viên lên hàng sao của sân khấu cải lương như: Ngọc Đáng, Hữu Lợi, Tài Linh, Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Thanh Hằng, Thoại Mỹ... Ông là người thầy truyền nghề hát cho nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương trong nước.

Nghệ sĩ Bạch Long, người có mặt bên cạnh nghệ sĩ Thanh Tòng từ năm 17 tuổi, xác nhận: “Cho dù trên mặt danh nghĩa chính thức có đứng tên ai dàn dựng đi nữa thì hậu trường sân khấu, anh Năm Thanh Tòng là người đã chỉ huy dàn dựng thực tế gần như tất cả vở cải lương tuồng cổ của Đoàn Minh Tơ. Anh Năm còn là người chấp bút chuyển thể cải lương cho nhiều kịch bản cải lương tuồng cổ của đoàn như Bão táp Nguyên Phong, Dưới cờ Tây Sơn, hay viết những vở sử Việt như Má hồng soi kiếm bạc, Dựng cờ cứu nước… Do đó công trạng của anh Năm Thanh Tòng với cải lương Việt Nam nói chung, cải lương tuồng cổ nói riêng là rất lớn”. Nghệ sĩ Kim Tử Long cũng nói rằng: “Tất cả nghệ sĩ cải lương tuồng cổ Việt Nam đều gọi NSND Thanh Tòng là sư phụ đầy kính trọng, nể phục. Ông góp phần rất lớn khẳng định cải lương tuồng cổ Việt Nam, cải lương lịch sử Việt Nam không lai căng”.

Tác giả: Nguyễn Thị Vân Anh