Lễ Vu lan báo hiếu và ý nghĩa bông hồng cài áo thể hiện điều gì?

( PHUNUTODAY ) - Lễ Vu Lan trùng với ngày Rằm tháng 7. Vào ngày này, nếu tới chùa bạn sẽ thấy mọi người cài hoa hồng lên ngực với các màu đỏ, hồng, trắng. Vậy ý nghĩa của bông hồng cài áo là gì?

Nguồn gốc lễ Vu Lan báo hiếu

Nguồn gốc ngày lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ. Kể từ đó, người ta lấy ngày này là ngày nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Theo truyền thuyết, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Sau khi mẹ ông là bà Thanh Đề qua đời, ông muốn xem mẹ mình đang như thế nào nên đã dùng mắt phép nhìn khắp thế gian để tìm.

Cuối cùng ông thấy mẹ mình đang bị chịu cực hình ở địa ngục, thân thể tiều tùy vì đói khát, ông đã mang cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Vì đói ăn lâu ngày, khi ăn mẹ ông đã dùng tay che bát cơm để các cô hồn khác đến tranh cướp. Khi đưa bát cơm lên miệng thì bị hóa thành lửa đỏ.

Đức Phật dạy ông rằng chỉ còn cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong cứu được mẹ. Nên vào ngày Rằm tháng 7, nhân lúc chư tăng mãn hạ, Mục Kiền Liên đã chuẩn bị một lễ dâng cúng và cầu xin cứu mẹ mình khỏi địa ngục. Lễ gồm hương dâu đèn nến, giường chõng chiếu gối, chăn màn quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay... dâng cúng các vị chư tăng.

Mục Liên làm đúng như thế, không những cứu được mẹ, ông còn giải thoát được tất cả vong hồn bị giam cầm ở âm cung.

Từ đó, ngày lễ Vu Lan cũng được gọi là ngày Xá tội vong nhân theo tục lệ Á Đông.

Ý nghĩa của bông hồng cài áo trong dịp lễ Vu Lan

Nghi thức Bông hồng cài áo theo Giáo sư -Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh – Giám đốc TT Nghiên cứu, bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam xuất phát từ áng văn viết về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được viết trong những năm 1960.

Trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, Thiền sư rất lạ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm "Bông Hồng Cài Áo" vào năm 1962.

Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bâc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành.

Dịp lễ Vu Lan những người đến chùa đều không quên dừng lại để cài lên ngực một bông hồng, để nhắc nhớ về công ơn của cha mẹ.

Bông hồng màu đỏ cho những ai may mắn còn cha mẹ trên đời, bông hồng màu hồng cho những người còn mẹ mất cha và bông hồng trắng cho những người kém may mắn khi không còn cha và mẹ trên đời...

Tuy nhiên, các vị tu sĩ ở chùa sẽ cài áo bằng bông hồng vàng. Các vị tu sĩ đã lìa bỏ đời sống thế tục để sống cuộc sống của người xuất gia. Họ mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để "trên cầu giải thoát, dưới cứu độ chúng sinh". Cứu cánh đạt đến sự giác ngộ là cách báo ân tuyệt diệu nhất vì báo hiếu cho cha mẹ hiện đời và cha mẹ ở nhiều đời khác, cứu độ toàn chúng sinh.

Chính vì vậy, thay vì cài bông hồng đỏ hoặc trắng để chỉ cho cha mẹ, người tu sĩ cài bông hồng vàng để tỏ rõ lý tưởng cao quý này.

Theo đạo Phật, màu vàng là màu của giải thoát như Vô thượng phước điền y, màu của Đất. Trên đất, chúng ta có thể dẫm, đạp, cày xới, khạc nhổ hay làm bất cứ gì... đất vẫn trơ trơ, vì đất là sức sống, là nhẫn nhục, cưu mang tất cả, chấp nhận tất cả. Vì coi tất cả chúng sinh là cha mẹ, là quyến thuộc, họ hàng và quan trọng nhất là những vị Phật tương lai.

Màu vàng còn là màu của tuệ giác, tượng trưng cho sự buông bỏ, xả ly, không chấp thủ và thành tựu giải thoát.

Tác giả:

Tin nên đọc