Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Hiện nay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền trong 3 ngày qua ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 200 đến 300 mm, cá biệt có nơi 400mm như ở Thanh Hóa và Hòa Bình.
Hiện đang có một đợt không khí lạnh đang di chuyển xuống nước ta kết hợp với hoàn lưu áp thấp nhiệt đới vừa qua nên khu vực từ Bắc Trung Bộ trở ra phía Bắc sẽ tiếp tục có mưa đến hết đêm nay (11/10) và đến ngày mai (12/10) mưa sẽ giảm dần.
Đến ngày 13/10, khu vực này sẽ chấm dứt mưa và có 3 ngày thời tiết ổn định. Tuy nhiên, hiện có một cơn áp thấp nhiệt đới đang cách Biển Đông khoảng 1.500km. Khoảng 15/10 áp thấp nhiệt đới này sẽ vào Biển Đông, có thể mạnh lên thành bão và nhắm thẳng vào các tỉnh miền Trung.
Theo tin ghi nhận mới nhất, tình hình lũ lụt diễn biến do áp thấp nhiệt đới 3 ngày vừa qua ở các huyện Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Nghệ An đã làm 23 người chết và 13 người mất tích. Cụ thể:
Yên Bái: 3 người chết, 10 người mất tích
Cầu Ngòi Thia nằm trên quốc lộ 32, thuộc thị xã Nghĩa Lộ, bị dòng lũ đỏ ngầu cuốn sập. Nhiều người bị lũ cuốn trôi, trong đó có một phóng viên là anh Đinh Hữu Dư (29 tuổi, quê Ninh Bình), phóng viên ảnh của TTXVN.
Hòa Bình: 7 người chết, công bố tình trạng khẩn cấp
Chỉ trong 36 tiếng từ tối 9/10 đến sáng 11/10, lượng mưa ghi nhận tại Mai Châu lên tới 420 mm, Kim Bôi 350 mm, Đà Bắc 290 mm, TP Hòa Bình 200 mm... Mưa xối xả làm sạt lở nhiều quả đồi ở huyện Mai Châu, Đà Bắc. Nước sông suối dâng nhanh, tràn vào nhà dân hai bên, nhấn chìm nhiều tuyến đường.
Tại huyện Đà Bắc, đến 15h30 ngày 11/10 đã có 7 người chết vì mưa lũ, gồm một người ở xã Đồng Chum, 2 người ở Đồng Ruộng và 4 người ở Suối Nánh. Quốc lộ 21, tỉnh lộ 438, 433, 450 ngập sâu 1-2 m, sạt lở ta luy dương gây tắc đường.
Sơn La: 5 người chết, 3 người mất tích
Theo thông tin ban đầu, mưa lũ hai ngày qua làm 5 người chết ở các xã Ngọc Chiến (Mường La) và xã Liên Hòa, Lóng Luông (Vân Hồ), Huy Hạ (Phù Yên); 3 người bị mất tích ở xã Song Khủa, Lóng Luông (Vân Hồ).
Hơn 64 nhà dân bị hư hỏng. Nhiều diện tích lúa bị ngập.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai chiều 11/10, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương Hoàng Đức Cường thông tin, trong 12 giờ tới miền Bắc tiếp tục mưa, trọng tâm là Hòa Bình, Thanh Hóa.
Mưa lớn sẽ khiến lưu lượng nước về hồ thủy điện Hòa Bình có thể đạt đỉnh 17.000 m3/s trong 6 giờ tới, sau đó giảm dần. Đầu giờ chiều, nhà máy thủy điện đã đóng một cửa xả đáy, hiện còn 7 cửa. Trong quá khứ Hòa Bình từng 3 lần mở cửa xả đáy vào các năm 1996, 1998 và 1999; một lần mở 8 cửa xả vào tháng 8/1996.
Đây cũng là lần đầu tiên cơ quan chức năng phải vận hành quy trình cùng lúc mở 8 cửa xả đáy ở thủy điện Hòa Bình.
Nghệ An: 8 người chết và mất tích, 3000 ha lúa màu ngập trắng
Tính đến chiều 11.10, toàn tỉnh Nghệ An có 8 người bị chết và mất tích, gần 600 nhà dân bị ngập, hơn 3 nghìn ha hoa màu, lúa, cây ăn quả bị ngập và thiệt hại; 1.630 con gia cầm bị chết, cuốn trôi, hơn 500 ha cá, tôm bị ngập. Đặc biệt, mực nước sông Lam dâng cao khiến nhiều thôn bản của huyện Con Cuông bị cô lập.
Tuyến đường chia cắt nhiều nhất là QL7A thuộc địa bàn huyện Tương Dương. Chiều nay, cả tuyến đường vẫn ách tắc cục bộ, đường nhiều đoạn bị ngập nước, giao thông đi lại khó khăn.
Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 10 ngôi nhà của các hộ dân sống bên cạnh QL7A ở huyện Tương Dương bị đất đá tràn vào nhà gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong khi đó, do mưa lớn kéo dài, lũ ống lũ quét rình rập UBND thị xã Hoàng Mai, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong di dời khoảng 500 người dân khỏi vùng nguy hiểm, 625 hồ đập lớn nhỏ trên địa bàn đã đầy nước, đặc biệt hồ thủy lợi Vực Mấu đã xả 3 cống khiến nhiều vùng ở thị xã Hoàng Mai ngập chìm.
Do nước lũ lũ lên nhanh, các tuyến QL15A, 48B, 48D, 48E bị ngập sâu khoảng 1m còn các QL15, 16, 48 bị sạt lở, đất đá vùi lấp đường, hàng chục khe tràn bị ngập, cuốn trôi, giao thông khu vực miền Tây xứ Nghệ tê liệt cục bộ.
Tác giả: