Nhiều trường hợp trẻ nhập viện vì hậu Covid-19
Bệnh viện Nhi Trung ương chi biết hiện đã có 611 trẻ được gia đình đưa đến khám và chẩn đoán Covid-19, trong đó có 545 ca được chuyển khám, cách ly tại địa phương; 66 ca điều trị nội trú tại bệnh viện.
Hiện bệnh viện này đang điều trị cho 10 bệnh nhân Covid-19 và trong thời gian qua có 5 trường hợp không qua khỏi gồm 3 bệnh nhân sơ sinh, 1 bệnh nhân 2 tháng tuổi có viêm não liên cầu B, 1 bệnh nhân 6 tháng tuổi ở Bắc Ninh chuyển lên).
Từ đầu năm 2022, số trường hợp bệnh nhi nhập viện vi di chứng hậu Covid-19 tăng.
Ở thời điểm hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho 10 bé mắc hội chứng MISC (hội chứng hậu Covid-19) điển hình. Trong đó, 4 trường hợp gặp tình trạng nặng, sốc, suy đa tạng, thở máy và 2 bé phải lọc máu hỗ rở. Các bệnh nhi đều có biểu hiện sốc nhưng chưa tổn thương đa cơ quan nên chỉ cần điều trị 3-5 ngày là có thể xuất viện.
Một trường hợp gặp hội chứng MISC là bé N.P.T (7 tuổi, Hải Phòng). Bé có các biểu hiện điển hình như mắt đỏ, ban trên da, sốt cao, rối loạn đông máu…
Sau khi nhập viện, bé N.P.T được chỉ định thở máy, dùng nhiều thuốc vận mạch. Do chức năng thận suy giảm nên bệnh nhi được nhanh chóng lọc máu, hỗ trợ chức năng thận và loại bỏ yếu tố viêm... Sau 3 ngày lọc máu, chức năng thận của bệnh nhi được cải thiện và được bỏ lọc máu. Tuy nhiên, bệnh nhi vẫn cần thở máy, dùng thuốc vận mạch và thuốc hỗ trợ tim mạch.
Trường hợp này trẻ nhập viện được cha mẹ thông tin đã từng nhiễm Covid-19 nên việc chẩn đoán hội chứng hậu Covid-19 và áp dụng phác đồ điều trị khá nhanh.
Có trường hợp gia đình không hề biết con đã từng mắc Covid-19 cho đến khi nhập viện điều trị vì di chứng của bệnh. Ví dụ như trường hợp bé Trần Ngọc T (8 tuổi, Hiệp Hòa, Bắc Giang). Mẹ bé cho biết gia đình không có ai mắc Covid-19. Bé có biểu hiện sốt cao mệt nhiều, đau họng và được gia đình đưa bé đi khám tại tuyến huyện được chẩn đoán viêm amidan, nhiễm trùng huyết. Sau hơn 2 tuần nằm ở tuyến dưới nhưng không đáp ứng điều trị, bé T được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương với tình trạng sốc, suy giảm chức năng tim mạch, huyết áp thấp, rối loạn đông máu...
TS.BS Đậu Việt Hùng, Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết bệnh nhi này có những dấu hiệu điển hình của hội chứng hậu Covid-19. Sau khi xét nghiệm và xác định được tình trạng đã từng mắc Covid-19, trẻ được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhi đã cai thở máy, dừng thuốc vận mạch và thiết bị hỗ trợ. Hiện bé được sử dụng thuốc đường uống và theo dõi chức năng tim mạch.
Nếu tình trạng ổn định, trong 2 ngày nữa bệnh nhi có thể xuất viện để điều trị ngoại trú và tái khám sau 1 tháng để đánh giá chức năng tim mạch, mạch vành.
Khi thấy con có những biểu hiện dưới đây, hãy đi khám hậu Covid-19 ngay
TS.BS Đậu Việt Hùng cho biết hội chứng MISC - hậu Covid-19 ở trẻ có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như Kawasaki, sốc nhiễm trùng, thực bào máu... Khuyến cáo ở phác đồ điều trị cũng yêu cầu phải loại trừ các bệnh khác trước khi nghĩ tới MISC.
Để nhận diện hội chứng MISC ở trẻ, bác sĩ Hùng nhấn mạnh, nếu phụ huynh thấy con có các triệu chứng như sốt, nổi ban trên da, mắt đỏ, rối loạn tiêu hóa, khó thở, môi tái, mệt mỏi... thì cần nghĩ tới hậu Covid-19. Đặc biệt, với những trẻ chưa tiêm vắc xin hoặc mắc bệnh nhưng cha mẹ không biết (do không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ), nếu thấy biểu hiện mệt mỏi kéo dài, ban, sốt và ho nhưng đi khám không ra bệnh thì cần phải đến cơ sở y tế để chẩn đoán kịp thời.
Bác sĩ khuyến cáo các gia đình nên tiêm phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Hiện thế giới đã có hơn 40 quốc gia đánh giá yếu tố an toàn và nguy cơ của vắc xin. Nếu trẻ được tiêm đầy đủ thì có thể giảm nguy cơ nhiễm bệnh và tránh được các vấn đề hậu Covid-19.
Cha mẹ vẫn phải theo dõi các biểu hiện của trẻ ngay cả khi đã khỏi Covid-19. Nếu thấy con có các biểu hiện như giảm chú ý, mất tập trung và gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của bé thì nên đưa con đi khám.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Nhà nhà mua sả gừng về xông cho F0 mau khỏi: Chuyên gia chỉ mặt trái, có thể làm virus lây lan nhanh hơn
-
BS chỉ cách phát hiện dương tính giả khi tự làm test nhanh tại nhà
-
Tuyệt đối không cho trẻ F0 xông hơi: BS Nhi khoa tiết lộ điều quan trọng giúp con nhanh khỏi, không lo biến chứng
-
4 việc F0 điều trị tại nhà tuyệt đối không được làm, tránh làm bệnh trở nặng, biến chứng
-
Tiêm 3 mũi khi thành F0 rất nhẹ nhưng mãi vẫn dương tính, làm gì để đào thải virus nhanh hơn: BS chỉ cách