Lương cơ sở sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1-7-2023?

( PHUNUTODAY ) - Theo dự kiến, ngày 20-10-2022 sẽ diễn ra phiên họp thứ 4, kỳ họp Quốc hội khóa XV. Tại phiên họp này, phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở sẽ được hoàn chỉnh báo cáo và trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, ban đầu việc cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức dự kiến áp dụng từ năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng COVDID-19 nên Trung ương đã quyết định lùi cải cách tiền lương với công chức đến thời điểm thích hợp.

Hiện nay, mức lương cơ sở đang được thực hiện theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP, là 1,49 triệu đồng.

Ngày 9-10-2022, tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo về phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập như sau: Chính phủ đã trình các cấp có thẩm quyền dự kiến sẽ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực công từ 1,49 triệu đồng lên khoảng 1,8 triệu/tháng (tăng khoảng 20,8%), dự kiến thực hiện từ ngày 1-7-2023. Đồng thời, nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp. Như vậy, nếu đề xuất tăng lương cơ sở tại Hội nghị Trung ương 6 được thông qua thì từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức khu vực công sẽ là 1,8 triệu đồng/tháng.

Điều kiện để có nguồn tăng lương được chỉ rõ: GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83%, dự kiến cả năm khoảng 8%, đạt cận dưới về kỳ vọng tăng trưởng khi có gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, chương trình mục tiêu và chương trình phục hồi, được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng. 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, phục hồi kinh tế diễn ra đồng đều giữa các địa phương. 44/63 tỉnh, thành có GRDP tăng trên 6%. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch được phục hồi mạnh mẽ.

Chia sẻ với báo giới, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu xác nhận thực tế là thu nhập của công chức, viên chức khu vực công còn thấp, cộng thêm việc phân phối cứng nhắc, cào bằng chính là 1 trong 5 nguyên nhân dẫn đến chuyển dịch nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư.  Theo ông Ngọ Duy Hiểu, trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, việc chuyển dịch lao động từ khu vực công sang tư hoặc ngược lại là việc bình thường, nhưng chuyển dịch nhiều với tỷ lệ đáng kể sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực ở một số ngành, lĩnh vực khu vực công như thời gian qua. Do đó, cần đánh giá kỹ để sớm có giải pháp khắc phục. Mỗi công chức, viên chức  chuyển từ khu vực công sang khu vực tư đều có lý do riêng, trong đó có vấn đề thu nhập" - ông Ngọ Duy Hiểu bày tỏ.

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 vừa qua, PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) đề nghị, năm 2023 - 2024 xem xét ngay việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) để tạo ra sự kích thích mới, bởi hiệu quả cao sẽ được tạo ra ngay từ việc tăng lương - chính sách được cho là đơn giản, dễ thực hiện và trực tiếp.

Dự kiến ngày 20-10-2022 sẽ diễn ra phiên họp thứ 4, kỳ họp Quốc hội khóa XV. Tại phiên họp này, phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở sẽ được hoàn chỉnh báo cáo và trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tác giả: Thạch Thảo