Theo quy định hiện hành, người lao động ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp sẽ buộc phải đóng các loại bảo hiểm bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Mỗi loại bảo hiểm sẽ có từng mức đóng khác nhau. Nếu người lao động có mức lương 10 triệu đồng/tháng thì họ phải trích bao nhiêu để đóng các loại bảo hiểm trên?
Mức đóng các loại bảo hiểm bắt buộc
Theo quy định hiện hành, người lao động ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp sẽ buộc phải đóng các loại bảo hiểm sau đây:
- Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc: Áp dụng với người ký hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên (theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).
Mức đóng BHXH bắt buộc = 8% x Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội
- Bảo hiểm thất nghiệp: Áp dụng với người ký hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên (theo Điều 43 Luật Việc làm 2013).
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp = 1% x Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội
- Bảo hiểm y tế (BHYT): Áp dụng với người ký hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên (theo khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế hiện hành).
Mức đóng BHYT = 1,5% x Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội
Như vậy, tổng mức đóng bảo hiểm = 10,5% x Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội
Trong đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được xác định bằng tổng mức lương theo thỏa thuận, phụ cấp lương và các khoản bổ sung xác định được số tiền cụ thể và được trả thương xuyên mỗi kỳ trả lương.
Theo đó, người lao động có được trả lương 10 triệu đồng/tháng sẽ phải đóng bảo hiểm với số tiền = 10,5% x 10 triệu đồng = 1.050.000 đồng/tháng.
Lưu ý, cách tính này chỉ chính xác nếu khoản tiền 10 triệu đồng mà người lao động được nhận chỉ bao gồm lương, phụ cấp và các khoản bổ sung cố định.
Nếu 10 triệu đồng trên là tổng thu nhập bao gồm cả tiền thưởng năng suất lao động, thưởng sáng kiến, tiền ăn ca, tiền hỗ trợ xăng xe, đi lại, nhà ở,... thì khi tính số tiền đóng bảo hiểm, phải lấy tổng thu nhập trừ các khoản này trước. Đối với trường hợp này, mức đóng bảo hiểm = 10,5% x (Tổng thu nhập từ tiền lương - Các khoản không tính đóng bảo hiểm).
Đóng bảo hiểm lương 10 triệu nhận lương hưu bao nhiêu?
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 đã quy định công thức tính mức hưởng lương hưu của người lao động tham gia BHXH như sau:
Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Trong đó:
- Tỷ lệ hưởng lương hưu được xác định dựa trên thời gian tham gia BHXH của mỗi người lao động.
Cụ thể, lao động nam đóng đủ 20 năm BHXH thì được hưởng 45%; sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%, mức hưởng tối đa là 75%. Với lao động nữ, đóng đủ 15 năm BHXH thì được hưởng 45%; sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%, mức hưởng tối đa là 75%
- Mức bình quân tiền lương tháng được tính như sau:
Mức bình quân tiền lương tháng = Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH / Tổng số tháng đóng BHXH
Như vậy, để tính xem người đóng bảo hiểm lương 10 triệu nhận lương hưu bao nhiêu thì phải biết chính xác thời gian đóng bảo hiểm cũng như thời điểm lãnh lương hưu của người đó để tính tỷ lệ hưởng và mức bình quân tiền lương.
Ví dụ: Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của chị A là 10 triệu đồng/tháng. Chị A đã đóng bảo hiểm 25 năm, tương ứng được hưởng tỷ lệ hưu 55%. Như vậy, lương hưu hàng tháng của chị A hưởng 55% x 10 triệu đồng là 5,5 triệu đồng/tháng.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Đóng BHXH không liên tục có ảnh hưởng gì tới lương hưu và quyền lợi của người lao động không?
-
Đóng BHXH dưới 20 năm, người lao động có thể nhận những khoản tiền nào?
-
Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất 2023 là bao nhiêu?
-
Đóng BHXH chỉ cần 15 năm là có thể nhận được lương hưu kèm theo một chế độ đặc biệt
-
3 điểm mới về rút BHXH một lần năm 2023, người lao động nắm để không bị thiệt