Theo phong tục của người Việt, vào dịp mùng 1, ngày Rằm hay những ngày lễ tết, các gia đình đều mua lễ và thắp nén hương để bày tỏ lòng thành kính với Tổ tiên và cầu bình an, may mắn đến cho tất cả các thành viên trong nhà.
Tuy nhiên,việc thắp hương, thờ cúng ở một số gia đình vẫn còn tồn tại một số điều chưa đúng. Nếu nhà nào đang phạm phải những điều kiêng kỵ dưới đây thì chiêm nghiệm xem nhé.
Không nên cúng đồ mặn chung với hoa quả
Theo chuyên gia nghiên cứu tâm linh Nguyễn Thị Nghĩa, thói quen cúng đồ mặn chung với hoa quả của nhiều gia đình là không đúng.
Tốt nhất, khi cúng các gia đình nên tách bạch là khi nào thờ hoa quả và khi nào cúng lễ mặn. Các thứ cần phải để riêng. Hoa quả có thể để ở ban trên, còn đồ cúng mặn thì nên kê thêm bàn để ở dưới sau đó thắp hương.
Ngoài ra, đối với gà cúng trong ngày mùng 1 thì phải được chuẩn bị, làm sẵn từ tối hôm trước, tránh hoàn toàn việc sát sinh vào sáng mùng 1.
Đồ cúng phải sử dụng đồ mới và dùng riêng biệt
Một trong những kiêng kỵ cần nhớ khi thờ cúng là tuyệt đối không được lấy đồ dùng sinh hoạt hàng ngày để mang lên bàn thờ. Tốt nhất, các đồ dùng để đựng các lễ cúng mặn như bát, đĩa, đũa, thìa… cần phải sử dụng những đồ mới và sau đó phải để riêng biệt. Tuyệt đối không nên dùng những đồ dùng đã dùng chung, sẵn với các việc khác trong gia đình. Bởi theo quan niệm đúng, đồ thờ cúng cần phải sạch sẽ, để riêng, không uế tạp.
Lưu ý nhất định phải biết khi thắp hương
- Số lượng: Không cần nhiều, mỗi bát chỉ nên dùng 1 nén hương, nếu là bát mới có thể dùng 3 nén. Không cần thiết một lúc châm cả bó hương cúng, mùi khói quá nồng sẽ khiến không khí bị ô nhiễm.
- Khi đốt hương cần có tâm trạng bình tĩnh, thái độ ôn hòa, tránh lo lắng, vội vã.
- Khi thắp hương, phải châm hương một cách cung kính, khi châm hương nếu có ngọn lửa, cần dùng bàn tay phẩy tắt lửa, hoặc cầm hương vẩy lên xuống để dập lửa. Không được phép dùng miệng thổi tắt lửa.
- Nếu đến chùa dâng hương, khi bước vào nên bước vào từ cửa bên phải của chính điện, đồng thời bước chân trái vào trước là tốt nhất. Chú ý không được dẫm lên bậu cửa, cũng không nên có những động tác như nhìn trước ngó sau, chải đầu vuốt tóc...
- Sau khi châm hương, phải cầm hương với tư thế tay trái ở bên ngoài, tay phải ở bên trong, để hai tay giơ cao ngang mày, cung kính hành lễ.
- Sau khi thắp hương làm lễ trước tượng Phật, dùng hai tay để cắm hương vào lư hương, bắt đầu làm lễ cúng dường chư Phật Bồ tát.
- Khi dâng hương, miệng nên ngậm lại, ngoài việc thầm cầu trong lòng, hoặc tụng niệm nhỏ, không nên nói chuyện với người đứng bên cạnh.
- Trong thời gian thắp hương, không nên đưa mũi lại gần để ngửi hương.
- Sau khi việc cúng hương hoàn tất, xung quanh lư hương nếu có tàn hương rơi vãi, nên dùng khăn sạch để lau. Không được dùng miệng để thổi bay những tàn hương ở bên cạnh lư hương.
- Nếu hương bị tắt, có thể nhấc ra châm lại, ở chùa có thể thu lại thành bó, dùng đồ đựng sạch sẽ để đốt, không nên tự ý vứt bỏ.
- Không thắp hương liên tục, kể cả lễ tết. Chỉ thắp khi cúng dường, như lúc chuẩn bị xong mâm cỗ tất niên, mâm cúng giao thừa, thắp lại lần nữa đúng khi chuyển giao năm mới. Thắp hương hay khấn liên tục chỉ gây phiền nhiễu cho gia tiên, là điều không tốt, nhất là khi đồ cúng vẫn giữ nguyên không có bổ sung mới. Như vậy đồng nghĩa với việc mời gia tiên về ăn đi ăn lại, tỏ rõ thái độ không thành tâm và coi thường của gia đình.
Tác giả: