Mẹ bầu bị ung thư giai đoạn cuối
Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận bệnh nhân mang thai và phát hiện ung thư di căn.
Chị Nguyễn Thị B. (36 tuổi, Nam Định) mang thai được 24 tuần thì bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn đi loạng choạng.
Sau đó bệnh nhân được đưa đi khám tại một bệnh viện ở Hà Nội. Bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não và phát hiện thấy một khối u có kích thước lớn khoảng 3cm ở tiểu não.
Tại đây các bác sỹ chẩn đoán sơ bộ là ung thư di căn não chưa rõ tổn thương nguyên phát. Do bệnh nhân đang có thai nên không thể chụp X quang, cắt lớp vi tính và chẩn đoán bằng Y học hạt nhân để xác định nguyên nhân vì có thể ảnh hưởng tới thai nhi.
Chị B. có nguyện vọng sinh con nên bệnh nhân được chuyển đi phẫu thuật lấy u não tại Bệnh viện Việt Đức. Sau phẫu thuật, bệnh nhân đỡ các triệu chứng đau đầu chóng mặt, không liệt. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi thai sản tại bệnh viện tuyến dưới.
Sau đó bệnh nhân sinh con nặng 3,1 kg và bắt đầu quay lại Bệnh viện truy tìm khối u. Bác sĩ xác định bệnh nhân bị ung thư di căn não. Bệnh nhân trải qua 7 đợt điều trị hoá chất và sức khoẻ dần cải thiện.
Dấu hiệu ung thư vú
PGS Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K trung ương khuyến cáo 7 dấu hiệu của ung thư vú, trong đó, nếu thấy có hiện tượng chảy dịch máu thì 80% khả năng là đã mắc ung thư.
Theo PGS Thuấn để phát hiện sớm căn bệnh này, các chị em nên tự khám vú sau chu kỳ kinh nguyệt khoảng 5 ngày.
Đặc biệt là từ 40 tuổi trở lên nên đi khám sức khỏe định kỳ và nên quan tâm đến khám tầm soát phát hiện ung thư vú để nếu có mắc bệnh thì có thể điều trị kịp thời, đúng phương pháp.
Các dấu hiệu của ung thư vú:
- 1 bên vú dày chắc hơn bên kia
- Tụt núm vú
- Da vùng vú bị lồi lõm, co kéo bất thường
- Thay đổi màu sắc trên da của vú
- Chảy dịch 1 bên vú (khi chảy dịch máu thì khả năng 80% mắc bệnh ung thư)
- Đau hoặc đỏ vú
- Hạch nách hoặc hố thượng đòn
Tùy theo từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ chỉ định chụp nhũ ảnh cho phép phát hiện ung thư vú từ lúc khối u chưa xuất hiện trên ngực người phụ nữ - tức là phát hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng và đương nhiên những trường hợp như vậy thì chúng ta hoàn toàn có thể chữa khỏi được.
Ngoài ra, với những trường hợp chị em có tiền sử gia đình mắc ung thư vú như mẹ, chị em gái trong nhà và khi xét nghiệm gen ung thư vú (cụ thể gen BRCA1, BRCA2) dương tính thì nên đi khám định kỳ sớm hơn và thậm chí chụp cộng hưởng từ thay vì chụp nhũ ảnh để phát hiện ung thư vú.
Cách tự khám vú với chị em phụ nữ trên 20 tuổi
Đứng hoặc ngồi trước gương:
Hai tay xuôi, quan sát các thay đổi ở vú như u cục, dầy lên, lõm da hoặc thay đổi màu sắc da.
Đưa tay ra sau gáy, sau đó quan sát lại.
Chống hai tay lên hông, làm cử động cơ ngực lên xuống bằng động tác nâng vai lên hay hạ vai xuống. Động tác này làm cho các thay đổi nếu có sẽ rõ hơn.
Quan sát ở cả tư thế chính diện và nghiêng.
Sờ nắn khi đứng hoặc ngồi
Đầu tiên, hãy đưa tay phải ra sau gáy. Dùng tay trái sờ nắn vú phải, 4 ngón tay (trỏ, giữa, áp út, út) đặt sát vào nhau thành một mặt phẳng, ép đều lên các vùng khác nhau của tuyến vú vào thành ngực theo hướng vòng xoáy ốc từ đầu vú trở ra ngoài.
Kiểm tra từng vùng của vú và cả nách. Nặn nhẹ đầu vú xem có dịch chảy ra không. Sau đó tiến hành tương tự với vú bên trái.
Sờ nắn khi nằm
Hãy nằm ngửa một cách thoải mái, đặt một gối mỏng ở dưới lưng bên trái và dùng tay kiểm tra như thao tác đứng trước gương ở trên. Lần lượt đổi bên thực hiện khám bên vú còn lại.
PGS Thuấn cho biết, để phòng bệnh ung thư vú, chị em nên có chế độ ăn hợp lý, tăng cường hoa quả và rau xanh, hạn chế tối đa mỡ động vật, kết hợp với tập luyện tránh thừa cân, béo phì.
Hạn chế việc dùng thuốc nội tiết thay thế khi mà chuẩn bị bước sang tuổi mãn kinh, bởi lẽ nếu dùng lâu dài - đặc biệt là các trường hợp dùng quá 10 năm thì có nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 4-6 lần so với phụ nữ không có tiền sử như vậy.
Tác giả: