Mẹ Hải An và mẹ Vân Nhi ôm nhau khóc nức nở tại đám tang khiến nhiều người xót thương

( PHUNUTODAY ) - Giữa trưa nắng như đổ lửa, hàng trăm người thân, sơ đã đến viếng đưa Vân Nhi, cô bé 12 tuổi đã hiến 2 giác mạc cho y học đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đám tang như vỡ òa khi mẹ của Hải An, chị Thùy Dương đến phúng viếng và ôm chầm lấy mẹ Vân Nhi.

 11h trưa 5/7, tại Hà Nội, dòng người vượt nắng nóng 40 độ đến vĩnh biệt Vân Nhi, cô bé 12 tuổi hiến giác mạc trước khi qua đời vì ung thư. Ngoài gia đình, họ hàng, bạn bè cùng học còn có rất nhiều người biết đến nghĩa cử cao đẹp của Vân Nhi đến thắp hương tiễn biệt bé. Chị Thùy Dương, mẹ bé Hải An - bé gái 7 tuổi từng hiến giác mạc cứu người, cũng có mặt tại đám tang bé Vân Nhi để đưa tiễn "thiên thần nhỏ".

Gần trưa ngày 2/7, sau khi trút hơi thở cuối cùng tại BV Nhi Trung ương, gia đình của bé Nguyễn Vân Nhi (12 tuổi, Ngọc Khánh, Hà Nội) đã thực hiện ước nguyện của cô bé, hiến giác mạc để tặng những bệnh nhân mù lòa.

Sau khi thắp hương xong, chị tiến lại ôm chầm lấy chị Hải Vân, mẹ bé Vân Nhi. Từng trải qua cảm giác đau đớn ấy, vượt qua định kiến xã hội để hiến giác mạc của con, chị Dương phần nào hiểu được tâm trạng hiện giờ của chị Vân. Hai người mẹ kiên cường ôm nhau khóc nức nở, khiến những người có mặt tại lễ tang không khỏi xúc động.

"Tôi tự hào về con mình và mong muốn 'ngọn lửa Hải An', 'ngọn lửa Vân Nhi' sẽ tiếp tục lan tỏa ra cộng đồng", chị Hải Vân nói.

Cái ôm thật chặt như cùng chung nỗi niềm để chia sẻ sự mất mát đau thương của chị Thùy Dương (mẹ bé Hải An - cô bé 7 tuổi từng hiến giác mạc cứu người) với mẹ bé Vân Nhi cũng có mặt tại đám tang để đưa tiễn thiên thần nhỏ

Những cô cậu học sinh lớp 6A9 – Trường THCS Phan Chu Trinh tập trung gần như đông đủ tại nhà tang lễ để đưa tiễn cô bạn nhỏ cùng lớp, các bé không ngừng khóc mỗi khi có ai đó nhắc tên Vân Nhi.

Hồng Trâm - một trong những người bạn thân nhất của Vân Nhi trong suốt 6 năm học xúc động kể lại: "Trong lớp học Nhi là một bạn rất ngoan ngoãn và hiền lành. Cháu thường hay tâm sự với bạn ý nên biết được bạn ấy bị bệnh, có tháng phải nghỉ học đến 2-3 lần để đi chữa bệnh.

Mấy hôm vừa qua, nhận được tin bạn ấy mất, cả lớp rất thương còn cháu thì vô cùng hẫng hụt. Tuy bạn ấy mất đi nhưng lại để lại niềm tin và ánh sáng cho nhiều bệnh nhân khác, mong rằng nơi chín suối bạn ấy sẽ mỉm cười an nghỉ".

Những học sinh lớp 6A9 – Trường THCS Phan Chu Trinh tập trung gần như đông đủ tại nhà tang lễ Bệnh viện 354 để đưa tiễn cô bạn nhỏ cùng lớp

Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương), người tận tay lấy giác mạc của Vân cũng đã đến viếng, tiễn biệt bé Vân Nhi lần cuối.

Ông Hoàng cho biết, chỉ vài ngày nữa giác mạc của Vân Nhi sẽ được tái sinh khi ghép cho hai người khác. Cô bé lại được ngắm nhìn cuộc đời qua một đôi mắt mới. Cũng theo ông Hoàng, nhờ những tấm lòng cao cả như các bé Hải An, Vân Nhi mà số lượng người đăng ký hiến tạng đã tăng lên gấp bội.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương), người tận tay lấy giác mạc của Vân Nhi cùng chị Nguyễn Trần Thùy Dương (mẹ bé Hải An - người từng hiến giác mạc trước đó) đã đến viếng, tiễn biệt bé Vân Nhi lần cuối.

Hơn 10 năm sau khi thành lập, tuyên truyền vận động liên tục và được nhà nước tạo hành lang pháp lý để hoạt động, Ngân hàng mắt của Bệnh viện Mắt Trung ương mỗi năm chỉ thu nhận chưa được 100 người hiến tặng giác mạc. Con số đó chẳng thấm vào đâu số với sổ đăng ký chờ hiến giác mạc của bệnh viện lúc nào cũng hơn 1.000 người.

Song, 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng mắt nhận được gần 70 cặp giác mạc hiến tặng, gần bằng số giác mạc nhận được trong cả năm 2017. Đó là điều ông Hoàng không thể tưởng tượng được. Điều này cho thấy những "ngọn lửa" Hải An, Vân Nhi đã lan tỏa rất nhiều.

Mới đây, trong một tháng, Bệnh viện Việt Đức cũng có đến 4 bệnh nhân chết não hiến tạng trong khi trước đây một năm mới có một người hiến tặng. Đây là lần đầu tiên trong một tháng, Việt Nam có nhiều người hiến tạng như vậy. 16 người được cứu nhờ ghép các tạng hiến này, trong đó 4 bệnh nhân ghép tim, 4 ghép gan, 8 ghép thận. Ngoài ra, các bác sĩ còn tiếp nhận giác mạc, mạch máu, gân được hiến để phục vụ cho các ca ghép. 

Cả nước hiện có khoảng 5.000 người có nhu cầu ghép thận và hàng nghìn người chờ ghép gan, tim. Đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ghép 600 ca thận, 60 trường hợp ghép gan và 20 bệnh nhân ghép tim. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ tiến hành ghép ruột, tử cung, chi thể, mặt cho người bệnh.

Tác giả:

Tin nên đọc