Mẹo làm tỏi ngâm giấm không bị xanh, để lâu vẫn giòn ngon, trắng tinh

( PHUNUTODAY ) - Biết nguyên nhân tỏi ngâm giấm chuyển màu xanh, bạn có thể tránh được tình trạng này. Để tỏi ngâm giấm luôn trắng, bạn có thể áp dụng một số mẹo nhỏ dưới đây.

Nguyên nhân khiến tỏi ngâm giấm chuyển màu xanh

Tỏi ngâm giấm là món ăn kèm phổ biến, được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, khi tự làm món này ở nhà, không ít người gặp tình trạng tỏi chuyển sang màu xanh. Mặc dù tỏi xanh vẫn có thể ăn được nhưng nhiều người sẽ không yên tâm sử dụng loại tỏi này.

Trên thực tế, tỏi chuyển sang màu xanh khi ngâm giấm không phải hiện tượng lạ và cũng không nguy hiểm khi sử dụng.

Tỏi tươi chứa tiền chất alliin - một loại axit amin hữu cơ. Giấm có thành phần chính là axit axetic (công thức hóa học là CH3COOH). Khi cho tỏi vào giấm, phản ứng hóa học giữa axit amin và axit axetic sẽ diễn ra đẻ tạo thành hợp chất mới. Cấu tạo của chất này chứa các dị vòng pyrol của carbon và nitơ.

Trong môi trường axit, các pyrol có thể liên kết với nhau để tạo thành poli pyrol. Tùy theo số lượng pyrol liên kết mà màu sắc tạo ra sẽ khác nhau. Chẳng hạn như 3 pyrol liên kết với nhau sẽ tạo ra màu xanh lá, 4 pyrol tạo ra màu xanh lam.

Tỏi ngâm giấm chuyển màu xanh thường gặp khi ngâm tỏi non hoặc ngâm chưa đúng cách. Tỏi già rất ít khi bị chuyển xanh như vậy.

Tỏi xanh vẫn ăn được nên bạn không cần phải bỏ đi.

Trong ẩm thực Trung Quốc, người ta có món tỏi Lạp Bát với màu xanh ngọc trông rất lạ mắt. Loại tỏi này thường được ăn kèm với các món ăn trong bữa cơm thường ngày. Ngoài ra, vào tiết Lạp Bát (8/12 âm lịch), món tỏi xanh và sủi cảo là món ăn truyền thống của người ở vùng Hoa Bắc.

Tỏi ngâm giấm bị xanh là do sử dụng tỏi non.

Mẹo làm tỏi ngâm giấm không bị xanh, để lâu vẫn giòn ngon, trắng tinh

Trong ẩm thực Việt, tỏi ngâm giấm là món ăn kèm vưới bún, miến, phở, hủ tiếu. Để tỏi không bị xanh, khi làm, bạn cần chú ý đến những điều sau.

  • Chọn tỏi già

Khi mua tỏi, bạn nên chọn củ già với lớp vỏ khô ráo, củ cứng, đầy đặn, không bị nhăn nheo, không bị móp méo.

  • Sơ chế tỏi

Tỏi mua về bóc sạch lớp vỏ bên ngoài, rửa bằng nước đun sôi để nguội. Tùy theo sở thích, bạn có thể để nguyên cả tép tỏi hoặc cắt thành lát mỏng. Tỏi nguyên tép sẽ giòn hơn, giữ được nhiều tinh dầu hơn nhưng lâu chua hơn. Trong khi đó, tỏi cắt lát nhanh được ăn hơn, lấy cũng tiện hơn nhưng lượng tinh dầu sẽ giảm đi.

Lấy một bát nước đun sôi để nguội, thêm một thìa cà phê muối vào hòa tan và cho tỏi vào ngâm trong đó khoảng 1 giờ. Sau đó, vớt tỏi ra và để ráo nước.

  • Làm nước ngâm tỏi

Cho giấm gạo loại ngon vào nồi, thêm một chút nước, đường (để làm dịu vị chua của giấm) và bật bếp đun sôi. Sau đó, để cho nước giấm nguội hoàn toàn.

  • Làm tỏi ngâm giấm

Lọ đựng tỏi ngâm giấm phải dùng lọ thủy tinh, tiệt trùng bằng nước sôi rồi để khô ráo trước khi dùng.

Cho tỏi vào lọ rồi đổ nước giấm đã nguội vào đó.

Ngoài tỏi, bạn có thể cho thêm ớt. Lưu ý, ớt phải rửa sạch và để ráo trước khi ngâm.

Đậy kín lọ tỏi ngâm và để ở nơi thoáng mát, khô ráo. Sau khoảng 2-3 ngày là có thể đem ra sử dụng.

Khi lấy tỏi ngâm giấm, phải dùng đũa/thìa sạch, không dính nước hay các loại đồ ăn khác. Tỏi đã lấy ra không dùng hết cũng không được đổ vào trong lọ.

Nếu thời tiết nóng, để giữ tỏi được lâu hơn, không bị chua quá, bạn có thể để trong ngăn mát tủ lạnh để bảo quản.

Như vậy, để làm tỏi ngâm giấm không bị xanh, việc lựa chọn tỏi đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tỏi non ngâm sẽ bị xanh nên phải lựa loại tỏi đã già.

Tác giả: Nguyệt Tú