Mỗi lần hè đến, tôi lại khốn khổ trước chuyến viếng thăm của mẹ chồng

( PHUNUTODAY ) - Trước giờ, bao giờ tôi cũng hết sức cố gắng để mỗi lần ông bà lên thăm đều hài lòng. Thế nhưng quả thực có cố mãi cũng không yên được, vẫn luôn có những “khó khăn”. Quả thực, làm dâu không hề đơn giản.

 Tôi lấy chồng là người ở quê nghèo. Thực ra gia đình chồng tôi cũng không khó khăn gì nhưng làng mạc, thôn xóm xung quanh thì vẫn còn lạc hậu khá xa so với thành phố. Tôi là điển hình của việc con gái Hà Nội lấy trai quê. Trước ngày cưới, bạn tôi còn bĩu môi bảo: “Mày dại rồi, cưới trai quê, nếp sống người ta khác lắm. Mày chẳng làm dâu nổi đâu”. Mẹ tôi cũng bảo vậy, nhưng tôi nào chịu tin. Bởi vì tôi cũng xác định một năm chỉ về quê chồng có vài ngày tết, thỉnh thoảng thêm vài cuối tuần nữa là giỏi. Chồng tôi làm việc ở Hà Nội, thế nên tôi có phải làm dâu bao ngày đâu mà ngại?

Chồng tôi gặp vấn đề về sinh lý nên mãi mới có được một bé trai khóm khỉnh. Cả gia đình ông bà nội ngoại hai bên đều thương yêu, cưng chiều cháu như “báu vật”. Thế nên từ nhỏ con đã được chiều chuộng, không phải tự làm gì bao giờ, luôn dùng đồ tốt nhất, ăn cũng ăn đồ ngon nhất… Ngay từ khi con biết đi biết nói, con muốn gì, cả nhà luôn tạo điều kiện theo ý con, nhất là ông bà nội.

Mặc dù tôi cho con theo học mẫu giáo dân lập nhưng cứ đến hè là tôi lại hay xin cho cháu nghỉ ở nhà khoảng 2 – 3 tháng, để ông bà ra chơi và chăm cháu, hoặc là cho cháu về quê chơi với ông bà. Thường là ở nhà tôi thì bà hay ra chăm cháu một nửa thời gian nghỉ, rồi một nửa còn lại thì đưa cháu về quê cùng với ông. Những năm đầu con còn bé, ông bà còn khỏe, tôi thấy rất vui khi bà ra chơi.

Bố mẹ xách theo gà từ quê lên, nhồi đầy một bao mang cho hai vợ chồng tôi. Tôi thích quà quê lắm chứ, nhưng chúng tôi lại ở chung cư chật chội nên bất tiện vô cùng. Mà tôi chưa phải giết mổ gà bao giờ nên cứ thấy lũ gà kêu quang quác, hôi rình là tôi rùng cả mình.

Trộm nghĩ thôi thì của nhà, bố mẹ có thương mình mới mang lên cho tẩm bổ. Tôi liền bảo chồng: “Anh mang hết bao gà này ra chợ thuê người ta thịt đi, rồi về tống vào ngăn đá cho gọn”. Đang vui vẻ thì mẹ chồng tôi giãy nảy lên: “Ấy chết! Mang đi thịt thuê người ta làm bẩn lắm, phải tự làm, tự xát muối rửa mới sạch con ơi! Mà ai lại làm cả để đông lạnh, thế thì ăn ra cái gì nữa? Thương chúng mày không có ăn tươi ăn tốt mà toàn ăn đồ ôi, mẹ mới phải xách gà sống lên chứ!”. Tôi vội thanh minh: “Ở đây chật quá mẹ ạ, để gà sống thì cũng không có chỗ nhốt. Nó bậy lung tung, rụng lông ra nhà bẩn lắm”. Thấy mẹ chồng có vẻ khó chịu, tôi đành chấp nhận nhốt gà vào nhà tắm, ngán ngẩm nhìn cảnh gà bị ướt, rụng lông hôi rình lại còn đi bậy đầy ra sàn nhà.

Con tôi vốn có tính rất xấu, và biết được ông bà nuông chiều, lại càng thể hiện. Tuy ít lên, nhưng bà hay bế cháu đi ăn rong. Về việc này thì vợ chồng tôi cũng thú thật là có chiều con, con khóc còn chịu được, chứ con không ăn, cha mẹ nào mà không sốt ruột cơ chứ! Nhưng không những thế, con mà không thích món gì, nếu là bà thì sẽ tránh những món đó, đặc biệt là rau. Còn tôi thì không, tôi muốn con ăn đủ chất. Đây cũng là xích mích hay xảy ra nhất với tôi và mẹ chồng khi mẹ ra chơi với cháu. Mỗi bữa ăn, tôi ép con ăn rau, thì bé lại khóc và chạy về phía bà, tôi quát thì bà lại trách tôi: “Con nó không thích thì đừng ép nó đi!”. Tôi chẳng biết nói gì, cứ cái gì "con nó không thích" thì bao giờ mới lớn khỏe, mới nên người?

Tưởng chuyện chỉ có thế, ai ngờ bố mẹ chồng ở với nhà tôi được vài hôm thì bức bối. Hai vợ chồng tôi đi làm từ sáng đến tối, ông bà chỉ biết loanh quanh ở nhà với cháu, đến xem TV cũng không đọc kịp phụ đề vì mắt ông bà đã kém. Hai vợ chồng vừa đi làm về, mẹ chồng đã khóc thút thít. Tôi hỏi mẹ làm sao thì bà kêu: “Chúng mày nhốt bố mẹ như giam cầm thế này, tao ngột ngạt thở không được!”. Tôi đang định an ủi thì bà lại khóc bù lu bù loa lên. Hàng xóm ngó qua cứ tưởng nhà tôi sinh chuyện cãi nhau, khiến tôi ngượng chín cả người.

Tôi chỉ mong bà đừng ra chơi với cháu quá lâu, hay quá nhiều. Một hai tuần thôi là đủ. Tôi phải làm sao.

Tác giả:

Tin mới nhất
Tin nên đọc