Đôi khi mua gạo về, chúng ta đã thấy những con mọt đen xuất hiện trong đó, hoặc sau khi dùng gạo được một thời gian thì bắt đầu xuất hiện mọt. Không phải chỉ gạo cũ mới bị mọt, mà trứng của mọt gạo đã bám vào hạt thóc, hạt gạo từ giai đoạn thu hoạch lúa, sau một thời gian và với các điều kiện thích hợp, chúng mới nở thành con mọt đen mà bạn vẫn hay nhìn thấy.
Gạo có mọt trông không những mất thẩm mỹ, mà giá trị dinh dưỡng cũng như vị ngon của nó bị giảm đi. Dưới đây là những mẹo vặt đơn giản bạn có thể dùng để diệt mọt đen mà không ảnh hưởng đến chất lượng gạo.
Cách thứ nhất: Dùng tủ lạnh diệt mọt
Đây là một cách đơn giản ai cũng có thể thực hiện để diệt ấu trùng mọt đen trong gạo. Gạo mua về, kiểm tra kỹ, sau đó cho vào túi kín rồi để trong tủ lạnh 1 tuần sẽ khiến ấu trùng mọt chết, không thể nở thành con.
Lưu ý, cách này chỉ có thể sử dụng với gạo mới, khi ấu trùng chưa nở thành con mọt. Nếu gạo đã có mọt đen, bạn hãy tiêu diệt chúng trước rồi cũng nên để tủ lạnh 1 tuần để đảm bảo trong gạo đã hoàn toàn sạch ấu trùng.
Cách 2: Dùng ớt
Cho vài quả ớt đã tách bỏ hạt vào thùng gạo, mùi cay nồng của ớt sẽ khiến mọt khó chịu mà bỏ đi. Sau khi mọt đã ra khỏi gạo, bạn hãy áp dụng cách thứ bảo quản gạo trong tủ lạnh để ấu trùng mọt không thể nở thành con.
Cách 3: Dùng muối
Hãy rắc một chút muối vào thùng gạo, khi ăn gạo, nuốt phải muối mặn, mọt sẽ sợ và cũng sẽ bỏ đi. Tuy nhiên không nên rắc nhiều muối vì có thể khiến gạo mặn, lại làm cho gạo dễ bị ẩm.
Ngoài ra, có một số lưu ý khác trong việc bảo quản gạo an toàn:
- Không mua quá nhiều gạo. Càng mua nhiều thì càng khó bảo quản cũng như kiểm tra, hoặc khi đã bị nhiễm mọt hoặc mốc, hỏng thì phải vứt đi càng nhiều. Bạn chỉ nên mua 1 lượng vừa phải để dùng, hết lại mua tiếp.
- Khi mua gạo về nếu thấy có dấu hiệu ẩm thì phải phơi nắng cho gạo thật khô rồi hãy cất vào hộp bảo quản và để ở nơi khô ráo. Gạo ẩm là điều kiện để mối mọt cũng như nấm mốc sinh sôi, làm ảnh hưởng đến chất lượng của gạo cũng như sức khỏe của gia đình nếu tiêu thụ phải loại gạo này.
Tác giả: