Mùa hè có 3 loại rau dễ nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt cẩn trọng khi ăn

( PHUNUTODAY ) - Những loại rau này có hương vị tươi mát, bổ sung nhiều chất xơ và dưỡng chất quan trọng khác cho cơ thể. Tuy nhiên, khi ăn chúng ta phải sơ chế cẩn thận để tránh nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng.

Rau xanh là nhóm thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn thường ngày của mỗi con người. Bổ sung thêm rau, cơ thể sẽ nhận được lượng chất xơ cần thiết cho tiêu hóa, được cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa giúp duy trì các hoạt động sống của cơ thể.

Khi sử dụng các loại rau, chúng ta cần hết sức chú ý đến nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng. Thời tiết nóng ẩm là điều kiện lý tưởng cho các loại ký sinh trùng, giun, sán phát triển. Chúng có thể bám trên bề mặt rau và đi vào cơ thể con người, gây hại cho sức khỏe.

Các loại rau dễ nhiễm ký sinh trùng

  • Các loại rau sống

Các loại rau sống được sử dụng rất nhiều trong bữa ăn thường ngày, nhất là vào mùa hè. Rau sống mang lại cảm giác tươi mát, giúp bữa ăn trở nên ngon miệng hơn. Tuy nhiên, đây chính là nhóm rau dễ nhiễm ký sinh trùng nhất. Các loại rau sống phổ biến như rau diếp, xà lách, rau má, rau húng... đều có nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng. Đặc biệt, việc ăn sống, không qua xử lý bằng nhiệt càng làm tăng khả năng người ăn bị nhiễm giun, sán.

Trong quá trình trồng, thu hoạch, vận chuyển, các sinh vật ký sinh có thể bám vào thân, vào lá của cây rau. Trong khi đó, việc rửa không kỹ sẽ khiến ký sinh trùng không được loại bỏ hoàn toàn.

Trường hợp bị nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là giun đũa do ăn rau sống không hề hiếm gặp.

Các loại rau sống rất dễ nhiễm ký sinh trùng. Đặc biệt, việc ăn trực tiếp những loại rau này, không qua quá trình nấu chín ở nhiệt độ cao càng làm tăng nguy cơ người ăn bị nhiễm các sinh vật ký sinh như giun, sán.
  • Các loại rau thủy sinh

Các loại rau được trồng trong nước như rau muống, rau cần nước... có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng rất cao, đặc biệt là nếu các loại rau này được trồng ở nơi ao tù, nước đọng.

Môi trường nước là điều kiện phát triển thuận lợi của các ký sinh trùng. Chúng cũng phát tán mạnh theo dòng nước và lan ra cả một khu vực rộng lớn. Các loại rau trồng trong nước dễ nhiễm các sinh vật ký sinh, đặc biệt là sán lá.

Vì vậy, trước khi ăn những loại rau này, bạn cần phải đảm bảo rửa nhiều lần với nước sạch rồi nấu chín kỹ.

  • Các loại rau có lá mọc sát mặt đất

Những loại rau ăn lá mà phần lá mọc sát mặt đất cũng có nguy cơ cao nhiễm các loại ấu trùng giun, sán. Phần lá sà xuống gần mặt đất nên các trứng và ấu trùng ký sinh trùng từ đất, phân bón chưa hoai mục có thể dễ dàng bám vào rau.

Vì vậy, đối với các loại rau này, bạn cũng cần rửa thật kỹ, hạn chế ăn sống. Tốt nhất nên nấu chín rau rồi mới ăn. Nhiệt độ chính là cách tốt nhất để tiêu diệt các loại ký sinh trùng.

Cơ thể bị nhiễm ký sinh trùng sẽ gặp rất nhiều vấn đề, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Triệu chứng nhiễm ký sinh trùng nhẹ là đau bụng, khó tiêu. Trong trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể xuất hiện các biểu hiện như xanh xao, thiếu máu, tắc ruột, tổn thương gan... Đối với trẻ nhỏ, việc phát triển thể chất và trí tuệ có thể bị ảnh hưởng.

Một số lưu ý khi chế biến rau để tránh nhiễm ký sinh trùng

Rau mua về cần được nhặt bỏ phần gốc già, bỏ lá héo úa, sâu hỏng. Với các loại rau có lá xếp chồng lên nhau như rau cải, cần phải tách từng bẹ lá ra để rửa sạch toàn bộ các chất bẩn bị mắc kẹt bên trong.

Khi rửa rau, bạn nên rửa dưới vòi nước chảy mạnh nhiều lần để loại bỏ đất cát và các tạp chất bám trên thân, lá rau. Ngoài ra, có thể ngâm rau trong nước muối loãng khoảng 10-15 phút. Sau đó, vớt rau ra và rửa lại bằng nước sạch rồi mới ăn hoặc đem đi nấu chín.

Như đã nói ở trên, cách tốt nhất để tiêu diệt ký sinh trùng là nấu chín rau ở nhiệt độ cao. Vì vậy, hãy ưu tiên sử dụng các loại rau đã được nấu chín, hạn chế ăn rau sống.

Các loại rau sống, rau trồng thủy sinh, rau có lá mọc sát mặt đất có nguy cơ cao bị nhiễm ký sinh trùng rất cao. Vì vậy, trước khi ăn các loại rau này, bạn cần chú ý tới khâu sơ chế và chế biến.

Tác giả: Nguyệt Tú