Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 4 ngày đầu tháng 6/2017, Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa đến Phú Yên đã xảy ra hiện tượng nắng nóng dữ dội. Nhiệt độ cao nhất ở các khu vực này phổ biến 37-40 độ C, một số nơi ở Bắc Bộ nhiệt độ cao vượt mức lịch sử.
Cụ thể, Hà Đông (Hà Nội) 42,5 độ C, đây là mức nhiệt kỷ lục ghi nhận được ở Hà Nội trong suốt 45 năm qua (vượt xa kỷ lục năm 2015 là 40,8 độ C).
Một loạt các tỉnh ở miền Bắc như Lạng Sơn lên 38,8 độ C (kỷ lục năm 2012 là 38,4 độ C), Bắc Giang 40,5 độ C (kỷ lục 1994 là 38,7 độ C), Phủ Liễn (Hải Phòng) 39,5 độ C (kỷ lục 2001 là 39 độ C)…
Thậm chí, mức nhiệt trên là được đo tại lều khí tượng. Trên thực tế, trong đợt nắng nóng, nhiệt độ đo được ở ngoài trời có thời điểm lên đến gần 50 độ C trong không khí; gần 60 độ C trên mặt đường nhựa và hơn 70 độ C trong ô tô để ngoài trời, không bật điều hòa.
Tới đầu tháng 5/2018, do ảnh hưởng của áp thấp nóng phía Tây, người dân ở miền Bắc đã hứng chịu đợt nắng nóng đầu tiên. Nhiệt độ của đợt nắng nóng này phổ biến 34-37 độ và kéo dài 2 ngày từ 7-8/5.
Ngày 14/5, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, miền Bắc tiếp tục hứng chịu đợt nắng nóng thứ 2. Đợt nắng nóng này có thể kéo dài từ 3-4 ngày với mức nhiệt độ có thể lên đến 38 độ C.
Tuy nhiên trước đó, khi trao đổi với phóng viên, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục khí hậu và thủy văn cho biết:
Trong những tháng đầu năm 2018, hiện tượng ENSO đã chuyển sang pha lạnh (La Nina), các đợt không khí lạnh tăng cường chỉ còn xuất hiện trong các tháng 3 - 4 và kết thúc vào những tháng giữa năm khi ENSO dần trở lại pha trung tính.
Năm nay, nắng nóng dù được ghi nhận xuất hiện sớm hơn mọi năm nhưng khi ENSO trở lại pha trung tính thì thời tiết sẽ dần trở lại quy luật tự nhiên trước đây.
Mùa hè sẽ nắng nóng ở mức vừa phải và cường độ tăng dần chứ không đột ngột có những đợt nắng nóng gay gắt ngay từ đầu mùa.
Trung bình một năm sẽ có khoảng 12 đợt nắng nóng, những đợt nắng nóng ở các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ dự báo sẽ ngắn ngày hơn nhưng vẫn có khả năng xuất hiện một đợt nắng nóng kỷ lục duy trì trong nhiều ngày như từng diễn ra trong năm 2017.
Còn về mưa bão năm 2018, ông Hải cho biết, mùa mưa bão năm 2017 kéo dài vắt sang cả đầu năm 2018, cụ thể là bão số 1 trong tháng 1 và áp thấp nhiệt đới ghi nhận trong tháng 2.
Đây cũng là dấu hiệu cho thấy, mùa bão trên Biển Đông sẽ bắt đầu sớm hơn. Nhưng từ trước đến nay chưa khi nào ghi nhận lại có nhiều bão, áp thấp nhiệt đới trong 2 năm liên tiếp.
Tác giả: