Mỹ ghi nhận hơn 300 ca tử vong vì Covid-19 mỗi tuần: Vì sao dịch bệnh vẫn nguy hiểm?

( PHUNUTODAY ) - Tình hình dịch Covid-19 gia tăng trở lại khiến nhiều người lo lắng. Nhiều người thắc mắc vì sao Mỹ phát triển như vậy mà tỷ lệ tử vong cao.

Mặc dù đại dịch Covid-19 không còn căng thẳng như những năm trước, nhưng nước Mỹ vẫn chứng kiến hơn 300 ca tử vong mỗi tuần liên quan đến virus này. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tỷ lệ tiêm chủng thấp, khả năng miễn dịch suy yếu và việc không tiếp cận kịp thời các phương pháp điều trị hiệu quả.

Tỷ lệ tử vong giảm nhưng vẫn đáng lo

Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trong tháng vừa qua, trung bình mỗi tuần có khoảng 350 người tử vong do Covid-19. Mặc dù con số này đã giảm mạnh so với đỉnh điểm gần 26.000 ca vào cuối năm 2021, nó vẫn cho thấy dịch bệnh chưa hoàn toàn biến mất.

Covid-19 ở Mỹ tỷ lệ tử vong giảm nhưng vẫn gây lo ngại. Ảnh minh họa

Giáo sư Tony Moody – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Duke – nhấn mạnh rằng: Việc vẫn ghi nhận các trường hợp tử vong cho thấy virus vẫn đang âm thầm lây lan trong cộng đồng, và một số người vẫn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tiêm vaccine chưa đầy đủ, hệ miễn dịch suy yếu

Một trong những yếu tố khiến số ca tử vong vẫn ở mức cao là tỷ lệ tiêm vaccine cập nhật quá thấp. Tính đến cuối tháng 4, chỉ có khoảng 23% người trưởng thành ở Mỹ đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mùa 2024–2025. Với trẻ em, tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ khoảng 13%.

Theo Tiến sĩ Gregory Poland – giám đốc Viện nghiên cứu Atria và chuyên gia hàng đầu về vaccine – việc nhiều người chưa tiêm hoặc tiêm không đầy đủ đang khiến cộng đồng không đủ khả năng tạo ra lá chắn miễn dịch vững chắc. Thêm vào đó, một số cá nhân có yếu tố di truyền hoặc hệ miễn dịch suy yếu khiến họ không thể phát huy hiệu quả bảo vệ từ vaccine như người bình thường.

Ông Poland cũng cho biết hiệu lực của vaccine giảm dần theo thời gian, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi. Do đó, CDC hiện khuyến cáo người từ 65 tuổi trở lên nên tiêm hai liều vaccine mới, mỗi liều cách nhau ít nhất 6 tháng. Dữ liệu cũng cho thấy, nhóm người từ 75 tuổi trở lên đang là đối tượng có tỷ lệ tử vong cao nhất, với khoảng 4,66 ca trên 100.000 người.

Điều trị chậm trễ – bỏ lỡ "thời gian vàng"

Hiện nay, các phương pháp điều trị Covid-19 đã trở nên phổ biến hơn, bao gồm thuốc uống như molnupiravir (của Merck) và Paxlovid (của Pfizer), cần sử dụng trong vòng 5 ngày đầu sau khi xuất hiện triệu chứng. Ngoài ra còn có remdesivir, dạng thuốc tiêm, được khuyến nghị dùng trong 7 ngày đầu mắc bệnh.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Moody, rất nhiều người không đến bệnh viện kịp thời hoặc bỏ qua việc xét nghiệm, khiến họ không được điều trị đúng thời điểm. Điều này đặc biệt nguy hiểm với những người có nguy cơ cao – như người lớn tuổi hoặc người có bệnh nền – vì khi vượt qua giai đoạn "vàng" để dùng thuốc, hiệu quả điều trị giảm đáng kể.

Ông nhấn mạnh, dù không phải ai cũng cần xét nghiệm thường xuyên, nhưng nhóm có nguy cơ cao nên chủ động kiểm tra sức khỏe khi có dấu hiệu bất thường để được can thiệp kịp thời.

Dịch bệnh vẫn chưa "ngủ yên" tại châu Á

Không chỉ riêng Mỹ, Covid-19 cũng đang có dấu hiệu bùng phát trở lại tại một số quốc gia châu Á như Thái Lan, Singapore và Hong Kong. Đáng chú ý, Thái Lan đang theo dõi sát một biến thể phụ của Omicron có tên XEC – được cho là có tốc độ lây lan cao gấp gần 7 lần bệnh cúm thông thường.

Tiến sĩ Teera Woratanarat, giảng viên Đại học Y Chulalongkorn (Thái Lan), cảnh báo XEC có thể lan rộng trong cộng đồng nếu không kiểm soát tốt, nhất là khi tâm lý chủ quan đã xuất hiện sau thời gian dài đại dịch được cho là "hạ nhiệt".

Tác giả: Như Bình