Năm 2023: 3 trường hợp xe máy được 'kẹp 3' mà không bị CSGT xử phạt

( PHUNUTODAY ) - Theo quy định, có 3 trường hợp đi xe máy được chở 3 người mà không bị phạt.

Trường hợp xe máy được phép “kẹp 3”

Theo Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở 1 người, trừ trường hợp sau thì được chở tối đa 2 người:

- Chở người bệnh đi cấp cứu;

- Trẻ em dưới 14 tuổi;

- Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

Như vậy, trong 3 trường hợp trên người điều khiển xe máy được phép “kẹp 3” mà không bị xử phạt vi phạm hành chính về giao thông.

Chạy xe máy tống 3 bị phạt tối đa bao nhiêu tiền?

Căn cứ theo điểm l khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP và điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì hành vi điều khiển xe máy chở quá số người quy định sẽ bị xử phạt như sau:

(1) Chở theo 02 người trên xe

Mức phạt tiền: Từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng

Lưu ý: Trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, chở trẻ em dưới 14 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật thì không bị xử phạt.

(2) Chở theo từ 03 người trở lên trên xe

Mức phạt tiền: Từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Như vậy, hành vi chạy xe máy tống 3 (01 người chạy xe chở theo 02 người) có thể bị xử phạt cao nhất lên đến 400.000 đồng và thấp nhất là 300.000 đồng. Trường hợp người điều khiển xe máy chở thêm từ 03 người thì mức phạt tiền sẽ từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Đồng thời, theo điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì người thực hiện hành vi nêu trên mà gây tai nạn giao thông thì ngoài việc bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Chạy xe máy tống 3 có bị lập biên bản vi phạm hành chính hay không?

Theo khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản như sau:

Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản

Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.

Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

Như vậy, chỉ trong trường hợp cá nhân vi phạm bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng, tổ chức bị phạt tiền đến 500.000 đồng thì mới không bị lập biên bản.

Trường hợp chạy xe máy tống 3 thì mức phạt tiền sẽ từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng nên không thuộc vào trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản.

Tác giả: Thạch Thảo