2-3 TUỔI
Rửa tay
Theo các khảo sát, 2 tuổi là độ tuổi trung bình mà cha mẹ bắt đầu dạy con thói quen rửa tay. Ở độ tuổi này, bạn có thể dạy con về tầm quan trọng của việc vệ sinh cá nhân, đặc biệt là rửa tay. Cha mẹ cần dạy cho con rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn sau khi chơi, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh cũng như nhiều trường hợp khác. Thói quen tốt này giúp cho con không bị nhiễm các vi trùng sau khi chơi ở ngoài môi trường.
Mặc quần áo
Cha mẹ cần dạy trẻ mới biết đi cách mặc quần áo và cởi quần áo ở tuổi lên 3. Ban đầu, phụ huynh cho con tự cởi một chiếc áo sơ mi hoặc một chiếc quần đùi. Cha mẹ nên dành thời gian cuối tuần rảnh rỗi để hướng dẫn con kỹ năng này. Sự kiên nhẫn này giúp con bạn có thể tự mặc, cởi quần áo nhất là lúc phụ huynh bận rộn. Ngoài ra, việc này cũng giúp đứa trẻ sống tự lập, không phụ thuộc cha mẹ.
4-6 TUỔI
Cho con học bơi
Tai nạn liên quan đến nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, trong giai đoạn này, cha mẹ cần tìm lớp hoc bơi cho con. Đây chính là cách giúp con bảo vệ mạng sống và cũng là cách tốt để con quen với ban bè, kết nối cùng mọi người trong gia đình.
Cho con biết về xung quanh nơi gia đình sống
Khi trẻ lên 4 tuổi, cha mẹ nên dẫn bé đi quanh nơi ở và chỉ cho bé các địa điểm như cửa hàng, công viên... Điều quan trọng là con cái bạn sẽ định hướng được vị trí ngôi nhà và có thể biết được đường về nhà khi bị lạc. Ngoài ra, trẻ cũng nên được biết địa chỉ nhà và ghi nhớ địa chỉ này. Trong trường hợp khẩn cấp, trẻ sẽ nói với người lớn khác về địa chỉ của gia đình.
Biết chờ đợi để mua được thứ mình muốn
Con muốn mua ô tô đồ chơi đắt tiền? Đồng ý thôi, nhưng hoặc là tiết kiệm, hoặc là làm việc nhà để kiếm thêm tiền tiêu vặt, hoặc là con phải đợi đến sinh nhật/Giáng sinh/... thì bố mẹ mới mua cho được.
Cha mẹ phải để con hiểu không phải cứ đến cửa hàng đồng nghĩa với việc sẽ mang đồ về nhà, không phải cứ muốn thứ gì là sẽ được mua luôn thứ đó. Không thể chấp nhận ngay lập tức việc chi một số tiền quá lớn cho món đồ chơi xa xỉ đó mà không thấy được đổi lại bằng sự cố gắng của con. Ngay từ rất sớm, trẻ cần được học rằng nếu con thực sự muốn mua thứ gì, con phải biết chờ đợi để mua được nó.
7-9 TUỔI
Dạy cho con hiểu về tiền
Cha mẹ có thể yêu cầu con liệt kê những thứ đã chi tiêu bằng tiền bố mẹ cho hoặc được mua rồi tính tổng chi phí. Sau đó, phụ huynh khuyên nên dùng số tiền còn lại làm tiền tiết kiệm. Ngoài ra, bạn nên để trẻ lên danh sách những thứ bé muốn mua và giải thích cho con hiểu rằng chỉ có thể mua những thứ này khi tiết kiệm đủ tiền. Với cách này, bạn sẽ hình thành cho trẻ sự hiểu biết về đồng tiền, cách chi tiêu tiết kiệm và không lãng phí.dạy.
Dạy con nấu món đơn giản, an toàn
Việc dạy con sống tự lập có thể là việc hướng dẫn con tự nấu ăn. Trẻ biết nấu ăn có nghĩa là khi lớn lên trẻ sẽ tự lo được bữa ăn hằng ngày mà không có cha mẹ bên cạnh. Điều quan trọng là ngoài kỹ năng nấu, bạn cần hướng dẫn trẻ cách sử dụng các dụng cụ nhà bếp, tránh vật sắc nhọn.
Đi mua sắm cùng bố mẹ
Đừng để con cái "chỉ biết xài, không biết giá", rất nguy hiểm. Hãy đưa con đi chợ, đi siêu thị... để con tập tự lấy đồ, xem giá và đưa tiền thanh toán cho người bán hàng.
Trẻ cần được biết gia đình đã tiêu tốn bao nhiêu tiền vào các sinh hoạt hàng ngày, cần nhìn cách bố mẹ ra các quyết định chi tiêu, so sánh giá cả, mặc cả, cách cân nhắc giữa những món đồ đắt rẻ khác nhau và đưa ra lựa chọn cuối cùng nên mua sản phẩm nào.
Có một khoản tiết kiệm
Đặt một chiếc lọ trong bếp để mỗi lần con đi mua đồ giúp bố mẹ còn thừa tiền lẻ thì bỏ vào đó, mua heo đất cho con bỏ tiền lì xì... là những cách giúp trẻ học về tiết kiệm.
Đặc biệt, bố mẹ nên chọn những món đồ trong suốt để con đựng tiền tiết kiệm. Nhờ đó, trẻ có thể nhìn thấy rõ ràng sức mạnh của việc "tích tiểu thành đại" qua từng ngày.
Biết được phải lao động vất vả mới kiếm ra tiền
Hãy phân tích cho bé hiểu rằng, để có tiền mua nhà, xe, sắm đồ đạc, thực phẩm, quần áo,..., bố mẹ phải làm việc vất vả như thế nào. Qua đó, các bé học được cách biết trân trọng đồng tiền, giữ tiền cẩn thận và không được lãng phí.
Tác giả: