Cãi nhau là một nghệ thuật! Có người trưởng thành từ những cuộc tranh cãi, cũng có người vì tranh cãi mà chịu tổn thương trong tâm hồn. Có những cuộc hôn nhân thêm đầm ấm sau những trận cãi vã nảy lửa, cũng có những cặp đôi vì chuyện này mà mỗi ngày một thêm xa cách. Sự khác biệt của những hệ quả này nằm ở chỗ, lời nói và hành động của người trong cuộc được kiểm soát thận trọng, hay đã vượt quá ranh giới báo động của quan hệ vợ chồng.
Không bới móc chuyện cũ
Khi vợ chồng cãi nhau, kị nhất là nhắc lại chuyện không hay từ thuở nào rồi kết luận bằng một câu: “Thà tôi sống độc thân còn hơn thế này!”. Các chuyên gia tâm lý khuyên trước khi bạn mở miệng ra để cãi nhau với vợ/chồng, hãy tự đặt câu hỏi cho chính mình trước:
- Rốt cuộc có chuyện gì khiến mình phải tức giận thế này?
- Chuyện này liệu có thể giải quyết bằng cách cãi nhau không?
Trả lời xong hai câu hỏi trên thì đảm bảo sẽ có rất nhiều trường hợp bạn phát hiện ra, chuyện này chẳng đáng để hai vợ chồng phải to tiếng.
Khi cãi nhau, đừng dùng ngữ khí phủ định.
“Anh trước giờ chưa từng quan tâm con cái” hay “Anh luôn quên những chuyện quan trọng là lời “phủ đầu”, thẳng thắn xóa sạch nỗ lực của đối phương trong việc xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình. Đem bạn đời so sánh với người khác hoặc đánh giá môt cách tiêu cực về họ cũng là những việc cần tránh mọi lúc có thể, bởi chúng dễ hủy hoại không khí hòa thuận, êm ấm trong cuộc sống hôn nhân. Trên thực tế, chỉ khi cảm nhận được sự tôn trọng và ghi nhận từ đối phương, con người ta mới học được cách hồi đáp chân tình.
Tuyệt đối tránh lôi “người thứ ba” vào cuộc.
Mọi sự tranh cãi của các cặp vợ chồng trước hết đều nảy sinh từ bất đồng giữa những người trong cuộc. Vậy nên, đừng bao giờ vì nóng giận mà nói với ông xã những mẫu câu như: “Lúc chúng ta mua nhà, bố mẹ anh không cho được một đồng”, “Đám bạn nhậu của anh chẳng làm được gì ngoài việc dựa dẫm tiền bạc”….
Những lời nói như thế vô tình biến người đàn ông trở thành kẻ bị động, thiếu chính kiến và dễ bị xúi giục. Một chuyên gia tâm lý học người Anh từng phân tích, việc lôi kéo người khác vào cuộc sẽ càng khiến trận khẩu chiến của hai vợ chồng thêm nghiêm trọng hơn.
Lùi một bước để tiến một bước
Đàn ông vốn thích nghe nói ngọt, vì thế, nếu bạn nói thẳng nói thật với chồng những sự thật trần trụi hoặc những kỷ niệm không mấy hay ho thì có lẽ anh ấy sẽ rất khó nghe lọt tai. Các bà vợ ơi, hãy trung thành với câu slogan “Lấy nhu thắng cương”.
Chồng bạn bận việc, đến gặp nhóm bạn của bạn muộn rồi cũng vội vàng đi ngay sau khi chào hỏi mọi người dăm ba câu. Bạn phát cáu, cự nự ngay với chồng: “Anh lúc nào cũng chẳng coi ai ra gì! Bạn bè 5-7 năm mới gặp nhau mà anh lại lạnh nhạt như vậy!”… Khi giận chồng trước mặt bạn bè, tốt nhất bạn nên nhịn, ngậm bồ hòn làm ngọt rồi về nhà đóng cửa bảo nhau sau.
Trong trường hợp trên, nếu bạn nhẹ nhàng nói với chồng và coi như mình là nguyên nhân của sự chậm trễ đó thì sau khi về nhà, anh ấy sẽ suy nghĩ đến sự chịu đựng của bạn. Đến lúc đã ở nhà thì bạn hãy “tiến lên một bước” nhé, anh ấy sẽ còn biết ơn vì bạn đã giữ thể diện cho anh ấy trước đám đông đấy.
Không nhắc lại chuyện quá khứ
là một nguyện tắc cần tuân thủ trong những cuộc cãi vã của vợ chồng. Bởi vì, “xào nấu” lại những mâu thuẫn đã qua không giải quyết được vấn đề thực tại, mà chỉ khiến sự việc từ con kiến hóa thành con voi!
Giữ bí mật đối với bố mẹ. Các bậc phụ huynh lớn tuổi tâm lý thì ít, mà ích kỷ thì nhiều. Bất luận nguyên cớ sự việc ra sao, họ cũng luôn đứng về phía con ruột của mình và dành cho con dâu hoặc con rể cái nhìn khắt khe hơn. Dưới sự can thiệp không đúng cách của cha mẹ, cặp đôi trẻ càng thêm xa cách và khó tìm được tiếng nói chung.
Chiến tranh lạnh – con dao hai lưỡi
Sau mỗi cuộc cãi vã, nhiều cặp vợ chồng rơi vào chiến tranh lạnh một thời gian: không nghe điện thoại, không nói chuyện, không nhìn mặt nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên bạn không nên để tình trạng này kéo dài vì đó không phải là cách hữu hiệu nhất để trừng phạt ai cả, ngược lại còn khiến cho bản thân bạn cảm thấy mệt mỏi, không khí gia đình nặng nề, khó chịu và để lâu còn ảnh hưởng không tốt đến tình cảm vợ chồng.
Giận hờn, cãi vã là những gia vị cho đời sống vợ chồng, chỉ cần bạn hãy cố gắng có cách đối diện với chúng thật hiệu quả để từ đó có thể hiểu nhau nhiều hơn, để quý trọng hơn những khoảnh khắc hạnh phúc bên nhau!
Tác giả: