Chiều 28-3, Bệnh viện (BV) Trung ương Quân đội 108 đã tổ chức trọng thể lễ tôn vinh Thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình anh, người đã hiến tạng góp phần cứu sống 6 người bệnh, trong đó có ca ghép phổi từ người chết não đầu tiên ở Việt Nam.
Trong buổi lễ, câu chuyện về lời nói cuối cùng mà chị Tạ Thị Kiều nói với chồng – người cho chết não, trước khi anh lên bàn mổ hiến tạng cứu sống 6 người khác đã được nhắc lại.
Nhiều ngày túc trực, chăm sóc chồng bị bạo bệnh, chị Kiều không ngừng mong mỏi chồng tai qua nạn khỏi. Đến khi biết chồng không qua khỏi, chị Kiều lại không ngừng tự tranh đấu với bản thân. Chị vừa mong anh ra đi thanh thản, nhưng lại muốn anh cứu sống nhiều người khác. Cuối cùng, với tấm lòng thiện nguyện, cao cả, chị đã chia sẻ nguyện vọng được hiến tạng của chồng để cứu sống nhiều người khác. Bố mẹ hai bên nội ngoại và anh chị trong gia đình đã hiểu và đồng ý với nguyện vọng của chị.
Tuy nhiên, chị vẫn không khỏi day dứt.
Phút mặc niệm tưởng nhớ Thiếu tá Lê Hải Ninh, chiều 28/3, tại bệnh viện 108
Trung tướng, GS.TS. Mai Hồng Bàng, Giám đốc BV 108 xúc động choa sẻ: “Khi biết chồng mình không thể qua khỏi, với suy nghĩ muốn anh ra đi thanh thản nhưng lại vẫn vẫn muốn anh góp phần cứu sống được nhiều người bệnh, vợ anh- chị Tạ Thị Kiều đã thống nhất với gia đình tình nguyện hiến tạng của anh để cứu những người bệnh.
Những giờ phút cuối cùng trước khi vĩnh biệt anh để các bác sĩ đưa anh vào phòng phẫu thuật, chị chạm khẽ vào tay chồng và thì thầm: “Em không biết việc làm của em là đúng hay sai, em không biết anh có giận em không, nhưng em muốn anh cứu được nhiều người khác, anh không thể ở lại, anh ra đi nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi anh vẫn thở và đôi mắt của anh vẫn sáng để thấy được mẹ con em sống ra sao”.
Trung tướng Bàng bùi ngùi: “Thiếu tá Lê Hải Ninh dường như đã thấu hiểu tình yêu thương vô bờ và quyết định đầy nhân văn, cao cả của vợ. Nhờ quyết định đó mà dù anh mất đi nhưng trái tim anh đang đập trong lồng ngực anh Nguyễn Quốc Hùng 30 tuổi, hai lá phổi của anh đang giúp anh Trần Ngọc Hanh hít thở, 2 quả thận của anh được tặng cho 2 người khác ở 2 đầu nam bắc; 2 giác mạc đang trong 2 đôi mắt sáng ngời, đang dõi theo cuộc sống của vợ con anh, gia đình anh”.
Và 4 người đã được cứu sống một cách kỳ diệu, 2 người khác có lại ánh sáng. “Món quà tuyệt diệu, trong veo giữa cuộc đời này với nhiều ước nguyện được gửi gắm” – Trung tướng Mai Hồng Bàng đã phải thốt lên đầy xúc động.
Nhờ quyết định đó, trái tim của anh giờ đây đang đập trong lồng ngực bệnh nhân Nguyễn Quốc Hùng (30 tuổi), hai lá phổi của anh đang thở trong lồng ngực bệnh nhân Trần Ngọc Hanh (SN 1964, ở Nam Định), hai thận của anh đang sống trong hai cơ thể khác nhau ở hai đầu đất nước, hai giác mạc của anh cũng được ghép cho hai bệnh nhân, vẫn đang dõi theo cuộc sống của vợ con, gia đình anh.
Lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ quốc phòng, Bộ KH&CN, BV 108 thăm hỏi bệnh nhân được ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não
6 người, trong đó có 2 đồng đội của anh Ninh, được hồi sinh sự sống, được đem lại ánh sáng từ nghĩa cử cao đẹp của Thiếu tá Lê Hải Ninh, hiện đã dần bình phục sức khoẻ. Họ được cứu sống một cách kỳ diệu.
Riêng bệnh nhân Trần Ngọc Hanh, sau hơn 1 tháng được ghép phổi hiện đang tập vận động, phục hồi chức năng. Từ buồng bệnh, bệnh nhân Hanh nghẹn ngào cảm ơn các bác sĩ, chuyên gia, đặc biệt là người đã hiến phổi cứu mình.
Ai cũng hiểu, chết có nghĩa là về với cát bụi. Nhưng cái chết sẽ không là hư vô, nếu từ cái chết đó lại đem lại sự sống được hồi sinh. Ông Lê Xuân Cựu, bố đẻ Thiếu tá Lê Hải Ninh rất bình tĩnh, ông nói rằng con trai ông mất đi là tổn thất to lớn không có gì có thể bù đắp được.
"Dẫu biết rằng, cái gì xảy ra rồi cũng sẽ xảy ra, cái gì mất đi rồi cũng sẽ phải mất đi, không thể lấy lại được. Nhưng từ sâu thẳm tâm tưởng của gia đình chúng tôi vẫn còn day dứt những nỗi buồn khó tả. Dù vậy, được sự thông tin trực tiếp của BV 108, các ca ghép tạng lấy từ nguồn hiến của con chúng tôi đã thành công, là nguồn động viên, an ủi, xen lẫn tự hào của gia đình, họ tộc" - ông Cựu nói.
Ông cũng khẳng định, việc hiến tạng của Thiếu tá Lê Hải Ninh được sự đồng thuận cao của toàn thể gia đình và hoàn toàn tự nguyện.
"Chúng tôi hiểu rằng sự cho đi là mãi mãi. Đâu đó trên cõi đời này, vẫn còn sự hiện diện của con em chúng tôi, dõi theo chúng tôi" - ông Cựu xúc động nói.
Trước đó, ngày 26.2, gia đình Nguyên thiếu tá Lê Hải Ninh (45 tuổi, trú tại Yên Mô, Ninh Bình) - được xác định chết não, đã đồng ý hiến tạng. Các bác sĩ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã triển khai đồng thời 4 phòng mổ, vừa lấy - ghép phổi và các tạng khác. Nhờ đó, 4 người bệnh trọng đã được cứu sống (1 người được ghép tim, 1 người ghép phổi và 2 người được ghép thận) và 2 người khác tìm lại được ánh sáng nhờ ghép giác mạc của thiếu tá Ninh. Theo Trung tướng Mai Hồng Bàng, cả 6 ca ghép tạng đều đã phục hồi tốt, 2 ca ghép thận và 2 ca ghép giác mạc đã ra viện.
Đây là ca ghép tạng xuyên việt lịch sử và cũng là ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam.
Tác giả: