Người phụ nữ hiền lương, hoàn mỹ nhưng phúc mỏng mệnh bạc, Thượng đế tiết lộ nguyên nhân bất ngờ

( PHUNUTODAY ) - Người phụ nữ dịu dàng, hiền lương, nhân hậu nhưng cuối cùng lại phúc mỏng mệnh bạc. Lý do là gì?

Trước đây, có một phụ nữ sinh thời thông minh nhanh nhẹn, cô đã tạo dựng cho mình một sự nghiệp vững vàng, giúp mọi người trong gia đình được sống một cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Cô chủ động cáng đáng kinh tế gia đình, để chồng mình có nhiều thời gian rảnh giao du cùng bạn bè.

Không chỉ thông minh tài giỏi, cô còn xinh đẹp nết na. Cô vừa khéo chiều chồng lại giỏi chăm con, cha mẹ hai nhà muôn phần hiếu kính. Cha mẹ hai bên vốn xuất thân nhà nông, không có lương hưu, nên tháng nào cô cũng biếu ông bà một khoản tiền để chi tiêu. Các con cô đều đã lớn cả nhưng chỉ cần lo việc học, còn việc nhà cô đều tự tay làm, cơm bưng nước rót tận nơi, vất vả đến mấy cô cũng chẳng phàn nàn kêu ca. Họ hàng làng xóm ai đều khen cô hiền ngoan hết mực, dâu thảo vợ hiền, nức nức tiếng thơm.

Trăm năm cũng một kiếp người, mà ba mươi xuân sắc cũng một đời thế nhân. Vì mải chiều chồng lại vất vả chăm con, công việc trong ngoài không ngừng bận rộn, khiến cô bỏ mặc không chú ý chăm sóc chính mình. Thế rồi căn bệnh quái ác hoành hành, một ngày cô đột ngột ra đi.

Cứ ngỡ một đời chăm chỉ, kính cha chiều chồng, chăm con chu đáo, tất bật lo toan việc trong việc ngoài thì cô sẽ được sống thọ, hưởng phúc lâu dài. Ngờ đâu phúc mỏng mệnh bạc, cô vô cùng khó hiểu, linh hồn phiêu lãng đi tìm Thượng đế để hỏi rõ nguồn cơn.

Thượng đế muốn cô tâm phục khẩu phục nên đã dẫn cô tới trước tấm gương Thần, nơi cô có thể thấy được mọi việc trần gian.

Đối diện với gương Thần, đập vào mắt cô là những điều khiến cô không khỏi ngỡ ngàng. Sau khi cô chết đi, mẹ cô phải nhặt rác kiếm sống qua ngày, còn chồng cô có người phụ nữ khác, bỏ mặc gia đình chẳng chịu chăm nom. Các con cô trở nên bơ vơ, không biết làm việc nhà, lại không có người chăm sóc, cũng không đủ tiền đóng học phí nên bị các bạn chê cười, dẫn đến học hành sa sút, bỏ dở giữa chừng.

Sau khi nhìn xong mọi chuyện, lòng cô đau nhói. Lúc này, Thượng đế mới ôn tồn nói: “Khi sống, con quá chăm lo cho người thân, ôm đồm mọi việc, nuông chiều quá mức thành dung túng, khiến họ lệ thuộc vào con mà không thể tự lập. Vậy nên sau khi con chết đi, họ đều bị rơi vào hoàn cảnh thống khổ. Con nghĩ mình đã làm đúng hay sai?”.

Cô gái nín lặng hồi lâu, rồi khóc nấc nghẹn ngào. Thượng đế từ bi nhìn cô, rồi nhẹ nhàng chỉ vào tấm gương Thần:

“Con đừng quá đau buồn. Con hãy nhìn xem, 10 năm sau ngày con mất, chuyện gì sẽ xảy ra?”

Cô gái nhìn vào gương. Kỳ lạ chưa! Trước mắt cô là hai người con của cô đã trưởng thành: Người con trai cả dáng vóc mạnh mẽ, rắn rỏi đang quản lý một nhóm thợ sửa sang căn nhà trên mảnh đất của cha mẹ cô. Người con gái thứ phong thái nhanh nhẹn, hiền thục đang rót nước pha trà mời khách tới thăm ông bà. Mẹ của cô tuy tóc bạc trắng nhưng thần thái tươi sáng, khoẻ mạnh, ngồi bên bà là… chồng của cô.

“Khi con ra đi, các con của con đã bắt đầu học cách tự lập. Chúng tìm thầy học nghề, làm việc chăm chỉ, chi tiêu tiết kiệm, có thể phụng dưỡng ông bà. Người phụ nữ kia chủ động chia tay với chồng con vì cô ấy gặp được một người đàn ông khác giàu có hơn. Bây giờ, cả nhà con sum họp, hoà thuận, con không có gì phải lo lắng nữa”.

Từ xưa đến nay, chăm chỉ, cần cù là một đức tính tốt đẹp của người phụ nữ truyền thống. Trong gia đình nếu người phụ nữ chăm chỉ thì xứng đáng nhận được lời khen từ người khác. Nhưng một khi quá chăm chỉ, ôm đồm tất cả mọi việc thì khổ sở sẽ là chính bản thân người phụ nữ.

Cá biệt có những người phụ nữ ở nhà còn vất vả hơn đi làm. Một khi đã ở nhà, hàng loạt các việc không tên và không có thời gian rảnh cho bản thân. Hơn nữa, nếu vợ quá chăm chỉ sẽ khiến ông chồng ỷ lại, lười biếng.

Đối với nhiều chị em, họ dành toàn thời gian, toàn tâm toàn ý để lo mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, việc gì họ cũng tự muốn làm. Chính người phụ nữ như vậy sẽ làm cho người chồng, người đàn ông trong gia đình nghĩ rằng vợ mình có thể làm mọi thứ, không cần đến sự giúp đỡ, quan tâm chăm sóc của ai cả. Như vậy, có phải chính người phụ nữ làm khổ mình không?

Cuộc sống gia đình sẽ không tránh khỏi những xích mích, va chạm, những bất hòa không vui nhưng với những người này thì cuộc sống sẽ luôn trong tình trạng mệt mỏi, bức bí.

Yêu thương chăm lo quá mức đôi khi là vượt quá giới hạn của bản thân, cướp đi cơ hội tự trưởng thành và tự lập của người khác. Ôm đồm, lao lực quá mức lại tổn hao sức khoẻ của chính mình. Vậy nên, điều quan trọng là cần biết buông tay đúng lúc, đúng người, đúng nơi. Giúp những người yêu thương của mình có thể sống một cuộc sống tự lập mới là cách yêu thương trí huệ sáng suốt.

Tác giả: Minh Ngọc